Một ông bố đã chăm bé như thế nào – Phần 2

0
967

Xin chào các bạn, tôi là bố của 2 đứa trẻ. Trước đây khi vợ tôi đẻ đứa đầu, tôi không phải động chân động tay gì, do có ông bà 2 bên giúp đỡ nhiều. Nhưng từ sau khi bé thứ 2 chào đời, tôi cũng phải lục đục tham gia vào công cuộc chăm con cùng vợ . Cả nhà ai cũng trêu rằng tôi có duyên với chuyện ị đái của cậu con thứ 2. Cứ thay bỉm cho con là thế nào tôi cũng bị “dính chưởng”. Không những thế cứ đều như vắt chanh, khi nào chuẩn bị bê mâm cơm dọn ra ăn thì cậu con lại mặt mũi đỏ gay đòi ị thối. Thế là ngày nào cũng vậy, tôi cứ nhồm nhoài nhai cơm thì vợ lại lấy bô rồi rửa đít hì hục cho con. 

Tôi rất sợ cứt, nước đái… của con, và mỗi lần vợ tôi thay tã cho con tôi toàn chạy ra chỗ khác,… nhưng sau dần con càng ngày càng lớn, càng đáng yêu,… con cười và ê a với tôi,… tình yêu con trong tôi lớn lên và tôi muốn tự tay mình làm tất cả những việc đó cho con. Cảm nhận việc chăm con như một niềm hạnh phúc. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ đôi điều với bạn.

Chúc mừng bạn đã trở thành cha! Rất mau sau đây thôi, bạn sẽ ngập đầu trong tã lót và phải dùng đến cả tăm xỉa răng chống mắt lên để mà cầm cự với cơn buồn ngủ. Để giúp bạn, dưới đây là một số “bí kíp chân truyền”:

Phần 2: Thay tã, chăm sóc rốn và vùng kín của bé

Thay tã

Dùng tã vải hay tã dùng một lần? Dùng kim băng hay miếng dán? Nhãn hiệu tã nào? Chỉ riêng chuyện chọn tã thế nào thôi cũng đủ để khiến bạn quay cuồng, đến nỗi việc điền vào các tờ khai thuế dường như còn dễ hơn. May mắn cho các ông bố trẻ là những lựa chọn dành cho trẻ sơ sinh cũng không có nhiều lắm. Nếu bạn dùng tã dùng một lần, hãy tìm loại có chữ N (newborn), chọn loại tã và khăn lau không mùi, không cồn; mùi hương hay nước hoa có thể gây kích ứng da con bạn. Một số loại tã dành cho trẻ sơ sinh thậm chí còn có vết khía hình chữ V ở eo để tránh chạm vào rốn bé. Hoặc đơn giản bạn có thể gấp phần trên của tã lót tránh vùng này ra cho đến khi nó lành hẳn.

 


Bố cũng có thể thay tã cho bé rất “nhà nghề”


Dù bạn lựa chọn thế nào thì cũng có một số nguyên tắc an toàn nhất định phải tuân theo:

– Chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ bạn cần bao gồm tã, khăn ẩm và khăn khô, khăn lau em bé không mùi, kim băng (nếu bạn dùng loại tã vải không có miếng dán), và quần áo thay.

– Không bao giờ để con lại trong tình trạng không có người giám sát trên bề mặt cao (bao gồm cả giường hay bàn thay tã). Trẻ nhỏ, thậm chí cả một số trẻ sơ sinh, có thể ngọ nguậy và lăn. Trên sàn là an toàn nhất, và cũng giúp bạn thao tác dễ dàng hơn trong những lần đầu tiên.

– Luôn đặt một tay trên người bé.

– Đuổi hết các con thú cưng ra khỏi phòng nếu bạn đặt con nằm dưới đất.

Tã vải

– Cẩn thận gỡ kim băng khỏi tã bẩn. Cắm kim băng vào một cục xà bông (một lựa chọn lưu giữ an toàn do xà bông sẽ giúp kim băng dễ xuyên qua vải hơn.) Nếu kim băng làm bạn lo lắng thì hãy cân nhắc dùng loại tã dán.

– Gấp vạt trước của tã bẩn xuống dưới mông của bé, tức mặt vải còn sạch sẽ tiếp xúc với da bé.

– Che dương vật của bé bằng một miếng vải nhỏ để tránh nước tiểu bắn lung tung.

– Nhẹ nhàng nhấc chân của bé lên (không quá cao) và lấy chiếc tã bẩn ra.

– Nhẹ nhàng tách hai chân của bé ra (giống như con ếch) để làm sạch bộ phận sinh dục và mông bé với khăn ẩm không mùi. Chùi từ trước ra sau để tránh làm lan vi khuẩn. Bạn đừng quên lau ở các nếp gấp da âm hộ hoặc phía dưới dương vật và bìu của bé. Hãy kiểm tra lần nữa ở lưng, sau đầu gối và chân bé để tránh tình trạng phân bị dính ra đó.

– Dùng khăn khô để thấm (không chà xát) bất kỳ chỗ nào còn ẩm ở chân và bộ phận sinh dục của bé để tránh tình trạng hăm và mẩn da bé.

– Đặt tã dưới mông bé theo chiều dọc. Nếu dây rốn của bé vẫn chưa lành hẳn, hãy đặt tã phía sau cao hơn phía trước. Nhẹ nhàng ấn dương vật của bé trai xuống để nước tiểu không bị phun ra ngoài tã.

– Gấp mặt trước của tã lên một phần ba, gấp phần tã ở hai bên trùm lên miếng đệm thấm đặt ở giữa.

– Nhấc toàn bộ tã và tròng qua chân bé.

– Gấp mặt trước của tã lên dưới rốn của bé, tránh không chạm vào rốn của bé. Đặt miếng lót vào trong tã (ở phía trước đối với bé trai và ở dưới mông đối với bé gái).

– Một tay giữ mặt trước của tã, tay còn lại gấp một bên tã trùm lên mặt trước này.

– Luồn tay vào giữa tã và da của con để tránh đâm vào da của con.

– Luồn kim băng qua tất cả các lớp quấn phía ngoài, kim băng không được hướng vào phía trong. Thao tác tương tự với bên còn lại.

– Luồn ngón tay vào chỗ eo và quanh chân con để đảm bảo rằng tã không bị dúm lại hay quá chật. Tã phải chắc chắn nhưng không được chật thít vào da bé.

Tã dùng một lần

– Tháo tã bẩn và lau rửa sạch cho em bé như trong các bước thứ 2 – 7 ở trên.

– Đeo tã qua hai chân bé và dán lại ở phía trước.

– Gấp phần trên của tã ở dưới rốn của bé.

– Kiểm tra tã chắc chắn nhưng không quá chặt quanh phần thắt lưng và chân bé.

Dùng khăn lau sạch bàn tay của bé sau mỗi lần thay tã (tã vải hay tã dùng một lần). Rửa tay bạn kỹ càng với nước ấm và xà phòng.

Chăm sóc rốn

“Rốn có thể làm sạch vài lần mỗi ngày với cồn hoặc để cho tự khô,” bác sĩ nhi khoa đồng thời là một bà mẹ, Nadine Schwartz, tại Philadelphia cho biết.

 


Điều quan trọng nhất là giữ cho rốn được khô ráo (xem những hướng dẫn về quấn tã ở trên). Cho con mặc quần áo cotton để da bé được khô thoáng. Nếu bạn quyết định dùng cồn để lau rửa rốn cho con, hãy tránh làm dây cồn lên da bé vì có thể gây ngứa và kích ứng. Thay tã trước khi làm sạch gốc rốn cho bé để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan vi khuẩn.

Để làm sạch gốc rốn cho bé, bạn cần gạc bông và cồn:

– Cho bé nằm ngửa trên một mặt phẳng vững chãi.
– Ngâm đầu tăm bông vào cồn.

– Nhẹ nhàng dùng tăm bông lau xung quanh cuống rốn, lau cả những nếp gấp da trên cuống rốn.

– Nhúng đầu còn lại của tăm bông vào cồn và lặp lại bước 3.

– Dùng cây tăm bông thứ hai có tẩm cồn để tiếp tục lau phần trên và hai bên của chính cuống rốn.

Khi cuống rốn này dần lành lại, nó sẽ đậm màu hơn và cuối cùng rụng hẳn đi. Quá trình này thường mất từ 2 tuần cho tới 1 tháng, nhưng thời gian có thể khác nhau đáng kể. Hãy báo cho bác sĩ nhi khoa của bạn biết nếu thấy cuống rốn của con bị mưng mủ hay có mùi hôi.

Chăm sóc vết cắt bao quy đầu

Nhiệm vụ này có thể khiến nhiều ông bố lúng túng, tuy nhiên thật ra việc chăm sóc da quy đầu cho thằng cu lại rất nhanh chóng và đơn giản.

 



Bố sẽ chăm sóc phần “đàn ông” cho con trai bố nhé! 


Bạn sẽ cần đến thuốc mỡ Neosporin (chứ không phải kem) và tăm bông.

– Vết cắt bao quy đầu không cần thiết phải làm sạch đi, tuy bạn sẽ cần lau sạch phân, nếu có, bằng khăn sạch trước khi bôi thuốc mỡ vào.

– Dùng tăm bông bôi nhiều thuốc mỡ Neosporin lên đầu “bạn nhỏ” của bé.

– Bạn hãy chỉ bôi thuốc mỡ lên chứ đừng chà xát. (Thuốc mỡ sẽ giữ cho phần da nhạy cảm của bé không bi cọ xát vào tã.)

– Bác sĩ Schwartz khuyên bạn trong tuần đầu tiên hãy bôi thuốc mỡ vào mỗi lần thay tã cho con.
– Phần da này của bé ban đầu sẽ sưng và đỏ lên, có thể có vảy vàng. Điều này là hoàn toàn bình thường. Vết cắt da quy đầu của bé sẽ lành đi trong vòng từ 1 đến 2 tuần. Bạn hãy gọi ngay bác sĩ nhi khoa nếu thấy có tình trạng mưng mủ, hoặc đầu dương vật sưng đỏ, hoặc khi chạm vào thấy nóng.