Chồng, ôsin và “con ma nhà họ Hứa”

0
675
Dĩ nhiên là bi kịch không đến nỗi éo le kiểu: Cô ta đi mang theo… phần hồn của chồng mình (giá kể thế có khi lại tốt và càng tốt hơn, nếu mang theo cả “phần xác”). Mà chỉ là: Sự vắng mặt của cô ấy đã biến chồng mình thành một “con ma nhà họ Hứa”, không hơn không kém. Và “con ma” ấy là nỗi ám ảnh của mình suốt một tháng trời qua. Không, chính xác là khoảng hơn ba tuần nay.

Vì trong tuần đầu tiên, sau khi nhà mình quyết định chuyển từ “chế độ chiếm hữu nô lệ” sang “chế độ cộng hòa”, tức chính thức xóa bỏ cơ chế ôsin, nhân thời buổi thóc cao gạo kém, thì mọi sự lại có vẻ diễn biến theo chiều hướng tốt. Buổi sáng đẹp giời đầu tiên, sau một đêm dài tâm sự và hứa quyết tâm, chồng mình tự nguyện dậy sớm, lấy nguyên một chậu đồ to tổ bố từ máy giặt ra phơi giúp mình. Vừa phơi vừa bảo: “Thế này cuối chiều là khô. Đi làm về anh gấp nốt cho!”. Còn mình thì tìm chổi quét nhà (và chồng nhất quyết bảo: “Chỉ được quét thôi! Để trưa về anh lau cho!”, khiến mình cảm động rơi nước mắt)… Cảm giác nhẹ như không vì có bạn đồng hành đáng tin cậy nhất trên đời mà trước đây từng bị hình bóng ôsin làm cho lu mờ.

Tới chiều về, bức tranh hạnh phúc hiện ra thật lý tưởng: Nền nhà sạch bong (cho thấy buổi trưa chồng đã về nhà như đã hứa), quần áo cũng vừa được lấy xuống, dù chồng mình chỉ mới về trước mình có một tẹo, lại còn kiêm thêm nhiệm vụ đón con. Chưa hết, bạn ý còn xung phong tắm cho con, trong khi mình tung tăng vào bếp. Chỉ một loáng sau, mâm cơm đã được đặt lên. Hai ông con bình thường ăn uống vùng vằng, hoặc vừa ăn vừa… đạp xe, hoặc mồm thì ngậm cơm, mắt thì dán vào màn hình iPad và chân nhảy Gangnam Style…, thì hôm ấy, bỗng ngoan hiền đến lạ. Tự tay xúc cơm- đã đành, lại còn ngồi nguyên một chỗ từ đầu đến cuối. Bữa ăn diễn ra trơn tru kỳ lạ. Kỳ lạ hơn là ăn xong, chồng mình còn xung phong rửa bát… Đời sống gia đình chưa bao giờ mạch lạc, nhịp nhàng và quang quẻ thế!

Đến tối, nằm cạnh nhau, chồng lạc quan bảo vợ: “Biết thế này, lâu nay đừng thuê giúp việc! Có giúp việc, trẻ con nó ỷ lại, mà mình cũng bị tâm lý phụ thuộc, nó dọa về quê cho một cái là sợ xanh mắt…”. Mình bổ sung: Quan trọng là hằng năm, đỡ được một đống tiền. Và riêng mỗi việc đi làm về là thoải mái vứt túi đâu thì vứt, chả sợ ai động đến ví mình cũng đã là sướng rồi. Rồi thì đồ ăn thức uống của con trong tủ lạnh, sáng đi thế nào, chiều về thế đấy, chả lo bị chúng nó ăn vụng nữa; điện đóm cả ngày không ai bật, cũng đỡ tốn hơn… Túm lại, quyết định thôi giúp việc lúc này quả là một quyết định sáng suốt, lợi đơn lợi kép, mà nhẽ ra nên dũng cảm quyết định sớm hơn!

Ngày thứ hai, chồng vẫn dậy sớm (ơn giời!) và kêu mỏi lưng, bảo chắc tại hôm qua làm nhiều quá. Và ngày thứ hai lại cũng tiếp tục là một ngày tươi đẹp không hẳn vì chồng vẫn tiếp tục ngoan, mà là vì việc nhà ít hơn hẳn: Đồ chưa phải phơi vì mẻ giặt chưa đủ, nhà không phải lau vì đã quy ước giờ hai hôm mới lau một lần… Nhưng đến tối thì quang cảnh bữa ăn bắt đầu nhiễu loạn, vì hóa ra hôm trước chỉ là do… động giời, hai ông tướng mới bỗng dưng ăn ngoan đột xuất. Thế rồi từ vợ đến chồng thi nhau cáu gắt, đầu tiên là cáu con, sau thì cáu nhau. Và kết quả: Ăn xong, chồng lấy cớ giận, không xung phong rửa bát nữa (đã thế, mình cũng chả cần!). Tới giờ pha sữa cho con lại cũng giả vờ ngủ quên để vợ phải một thân một mình pha tới… hai cốc sữa (trong khi chồng thì nằm ngáy khò khò, điên cả tiết). Chưa kể, còn kiêm… rửa đít cho con – công việc “khó nhằn” nhất mà mới hôm qua thôi, chồng mình còn xông pha không ngại ngần gian khó.

Mọi việc cứ thế lơi lỏng dần. Và chồng mình dần biến thành một “con ma nhà họ Hứa” lúc nào không hay. Khi việc buổi sáng thì hứa sang buổi trưa, buổi trưa thì khất sang buổi tối và đến tối thì lại bảo: “Thôi để đến lúc nào bọn trẻ con đi ngủ…”. Hoặc cao tay hơn là chơi trò “nói vọng”: “Ấy chết, em rửa bát đấy à! Đã bảo, để đấy lát anh rửa cho mà! Sắp xong… hiệp 1 rồi!”. Vâng, cảm ơn, đây lỡ dại tin người nhiều lần rồi nhé và kết quả là bát đũa tha hồ ruồi bâu kiến đậu, vì cứ phải chờ cho hết… cái giải Ngoại hạng Anh của nhà ngươi đây! Thà giải… ngoại tình, có khi lại còn dễ thở vì ít ra, sự áy náy cũng khiến đàn ông… chăm rửa bát, hu hu!

Cứ thế, lòng tin vào đàn ông ở mình trước nay vốn đã mong manh, giờ lại càng lung lay dữ dội, nếu không muốn nói là đang có nguy cơ biến mất. Chỉ sau biến cố lớn ấy của đời mình: Nhà không còn giúp việc. Mà chỉ đến bây giờ, mình mới thấm thía một cách sâu sắc: Không có giúp việc thì có nghĩa sẽ không còn gì hết. Không còn bạn đồng hành sáng sáng tối tối. Không còn người chia ngọt sẻ bùi. Và quan trọng, là không còn niềm tin với đàn ông, mà cụ thể là cái người mình gọi bằng chồng – người đã từng có ngày dậy sớm phơi đồ và… rửa đít cho con lúc khuya khoắt đẹp như trong truyền thuyết. Nhưng đó là cái ngày bạn ý bỗng dưng “đột biến gene” sao đó, và sau đó, là… series hoạt hình “Hãy đợi đấy!”, trời ơi!

Ai đó (hẳn là một nhà hiền triết) đã nói thật đúng: “Đàn bà chân ngắn hay cưới được người đàn ông may mắn. Đàn bà chân dài thường cưới được người đàn ông có tài. Đàn bà chân vừa hay cưới được người đàn ông… cưới bừa”. Vâng, tôi chính là người “đàn bà chân vừa” đây! Chẳng có nhẽ vì thế mà tôi trót cưới phải một người đàn ông hay… bừa hay sao, hả giời?

(Nguồn:laodong.com.vn)