Dịch sởi bùng phát – Hậu quả kinh hoàng của trào lưu “anti vắc xin”

0
30188

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế sáng 19-2 cho biết, ngay trong những tuần đầu năm 2019 tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới. Một trong những nguyên nhân được các nhà khoa học xác định là hậu quả từ trào lưu “quay lưng” với tiêm vắc xin (anti vaccine) của các bậc phụ huynh.

Thống kê cho thấy, trong số những ca mắc sởi có đến 95% chưa tiêm vaccine hoặc không có lịch sử tiêm chủng

Dịch sởi bùng phát báo động trên cả nước và thế giới

Tại Việt Nam, số ca mắc sởi cũng tăng rất nhanh. Riêng ở Hà Nội, bệnh sởi đang có chiều hướng tăng. Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 11 đến 17-2) đã ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi, nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192 trường hợp. Và bệnh sởi trên địa bàn TPHCM đang diễn biến rất phức tạp, từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận đến 978 ca mắc bệnh sởi.

Các bài viết liên quan:

Theo Bộ Y tế, một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số trẻ di biến động lớn có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La … nên có nguy cơ cao ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.

Tính trên bình diện thế giới, trong những tuần đầu năm 2019 tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước, đặc biệt tại Ucraina và Hoa Kỳ.
Cụ thể ở Ucraina có 8.498 trường hợp mắc, đây là số mắc lớn nhất ghi nhận trong tháng 1 của những năm gần đây, trong khi cả năm 2018 nước này ghi nhận 54.481 trường hợp mắc.

Tại Hoa Kỳ sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, ngay trong đầu năm 2019 đã ghi nhận các ổ dịch sởi tại nhiều thành phố như: Atlanta, New Jersey, NewYork, Oregon, Rockland County, Rochester, Vancouver.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp, Chính quyền bang Washington đã công bố tình trạng khẩn cấp nhằm huy động các nguồn lực và nỗ lực của người dân trong việc khống chế dịch sởi.

Đặc biệt, theo thống kê thì trong tổng số ca mắc sởi trên có đến 95% là chưa tiêm phòng vaccine sởi hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng (xấp xỉ 55% bệnh nhân mắc bệnh sởi tính từ đầu năm 2019 chưa được tiêm chủng, 44% không rõ về lịch tiêm chủng). Theo các nhà khoa học, việc dịch sởi bùng phát tại một số nước hiện nay là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước và sẽ để lại hậu quả lớn cho sức khỏe người dân cũng như tăng chi phí điều trị so với việc chỉ phải tiêm vắc xin sởi thông thường.

PGS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay trong xã hội vẫn còn trào lưu anti vaccine. Có thể nói một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi đang gia tăng phức tạp là trào lưu anti vaccine của một số bà mẹ dẫn tới không đi tiêm phòng cho con.

“Truyền thông cần phải phỏng vấn các bà mẹ vì sao lại không cho con đi tiêm. Quan điểm của Bộ Y tế là bằng mọi cách phải tiêm chủng cho trẻ chưa được tiêm. Nếu làm không tốt điều này thì dịch sẽ bùng lên vào tháng 6” – đại diện Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết ngành Y tế TP.HCM năm vừa qua.

Quay lưng với tiêm vắc xin – anti vaccine là quan niệm hoàn toàn sai lầm

Nói về trào lưu “anti vaccine” của nhiều bà mẹ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1 cho biết, việc này xuất hiện từ lâu ở cả trong và ngoài nước, thường là từ những người khá nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn. Nhiều luồng ý kiến cho rằng chính việc tiêm vaccine mới là nguyên nhân khiến không ít trẻ gặp biến chứng.

Thậm chí, có phụ huynh còn dịch lại cuốn sách của Tổ chức giải phóng tiêm chủng Hoa Kỳ để tuyên truyền luận điểm này. Tuy vậy theo bác sĩ, suy nghĩ trên là cực kỳ sai lầm, thậm chí có ảnh hưởng to lớn đến cả thế hệ trẻ của toàn thế giới.

“Người chống vaccine thường tìm rất nhiều bài báo, chỉ cần bài nào có sự nghi ngờ với vaccine họ sẽ đưa lên mạng nhằm tạo ra hiệu ứng riêng cho họ.

Thời gian trước, có một trang báo lớn đăng tải thông tin động trời, rằng vaccine ngừa sởi rubela gây ra tự kỷ. Sự việc khiến dư luận rúng động và ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêm chủng mở rộng dịch bệnh này. Cuối cùng, bài báo phải rút lại để sửa số liệu vì thông tin không chính xác.

Nhiều gia đình có con cái bị khiếm khuyết gì đó, thông thường mang tính bẩm sinh, tuy nhiên do khi còn bé, cái mà cha mẹ trẻ tiếp xúc nhiều nhất là vaccine nên người ta nghĩ đó là do tiêm ngừa”bác sĩ Khanh dẫn chứng.

Ngoài ra, thực trạng có những loại vaccine được phổ biến vì nhóm lợi ích, được tuyên truyền tiêm quá đáng cũng gây hậu quả không mong muốn. Tuy nhiên nếu vịn vào cớ có nhóm lợi ích trong sản xuất vaccine để kêu gọi chống lại là hoàn toàn sai. Một khi để bệnh quay lại không phải trả giá bình thường mà bằng sinh mạng của hàng loạt trẻ em. Hậu quả của dịch sởi năm 2014 là minh chứng rõ nhất.

Cháu Nguyễn Phát Đạt, ngụ quận Tân Phú, 28 tháng tuổi sốt cao 3 ngày rồi nổi ban, mẹ bé cho nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã hai ngày qua. Chị Trần Tú Linh, mẹ bé kể, từ khi bé được 4 tháng tuổi đến nay, nghe theo trào lưu “anti vaccine” trên mạng, chị đã không cho bé tiêm phòng, sợ con về ốm nhiều hơn. Vì vậy chị ở nhà chăm sóc con, đồng thời ít cho bé tiếp xúc với người lạ để khỏi bị lây nhiễm bệnh, nhưng bé Đạt vẫn mắc sởi.

Bác sĩ Khanh khẳng định: vaccin là thành tựu của khoa học thế giới. Theo bác sỹ, để một loại vaccine đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng phải tốn cả ngàn tỷ. Tất cả vaccine dùng trên 10 năm đươc theo dõi rất kỹ nên tính ổn định, tính tạo miễn dịch và an toàn cho phép, ít tác dụng phụ hơn đã được kiểm định. Để tránh việc tiêm chủng tràn lan, kém hiệu quả ảnh hưởng đến sức khoẻ con trẻ, bác sĩ khuyên các phụ huynh hãy là người tiêu dùng thông minh.

Cụ thể, phải tìm hiểu kỹ thông tin để tự mình tự chọn thời điểm ưu tiên của vaccine để chích ngừa cho con, bởi không phải vaccine nào cũng cần tiêm ngay lập tức. Ngoài ra thông tin về vaccine mà lịch tiêm chủng mở rộng công bố phải mang tính công bằng với người tiêu dùng.

BS Khanh khuyến cáo: “Vaccine sởi là một vaccine rất an toàn và hiệu quả rất cao. Tiêm ít nhất hai mũi và tiêm đúng thời gian thì không có trẻ nào bị mắc. Đặc biệt các trẻ tiêm mũi sởi dịch vụ phải lưu ý tuân thủ mũi chín tháng, mức độ lặp lại mũi thứ hai đúng khoảng cách, đừng để đến lúc 12 tháng mới tiêm mũi 1, rồi chờ thời gian vài năm mới tiêm mũi nhắc lại, sẽ là khoảng trống để virus sởi xâm nhập”.

“Người dân hãy chịu khó tìm tòi kỹ chứ đừng tự quyết định khi chỉ đọc một luồng thông tin hay một bài báo nào đó. Còn nếu cố tình anti vaccine là tội với một thế hệ, có tội với sức khoẻ cả dân tộc”bác sĩ khẳng định.

Cách phòng ngừa dịch sởi

Trước tình hình trên, để phòng ngừa bệnh sởi, bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện việc chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi, hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh hô hấp.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.