Điểm danh những dị tật thai nhi do chế độ dinh dưỡng sai lầm của mẹ

0
5313

Với một chế độ dinh dưỡng hợp lý của người mẹ trong suốt thai kỳ kết hợp với các viên uống bổ sung, hàng nghìn trường hợp dị tật bẩm sinh đã được phòng ngừa hiệu quả.
Dưới đây là những gì bạn nên biết về dị tật bẩm sinh gây ra bởi chế độ ăn uống trong thai kỳ.

diem-danh-nhung-di-tat-thai-nhi-do-che-do-dinh-duong-sai-lam-cua-me-4

Mẹ bầu ăn uống sai lầm dẫn đến dị tật thai nhi

Thiếu vitamin B9 (hay acid folic) trong chế độ ăn uống của mẹ bầu có thể dẫn đến khuyết tật một số ống thần kinh ở thai nhi. Các bệnh lý khuyết tật ống thần kinh như: tật nứt đốt sống, thiếu não là những vấn đề xảy ra trong quá trình phát triển cột sống hoặc não ở 3 tháng đầu thai kỳ. Ở trẻ bị tật nứt đốt sống, cột sống không đóng hoàn toàn gây tổn thương thần kinh và liệt hai chân. Nếu thiếu não xảy ra, trẻ có thể tử vong bởi phần lớn các bộ phận quan trọng của não đều không phát triển.
Cung cấp đủ lượng acid folic trước và trong khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu tiên sẽ giúp ngăn ngừa các dị tật ống thần kinh. Lượng acid folic cần thiết là 400 microgram mỗi ngày dưới dạng vitamin tổng hợp hoặc thực phẩm có chứa folate, dạng tự nhiên của acid folic. Những thực phẩm giàu folate bao gồm những loại rau có màu xanh đậm, ngũ cốc, nước cam, đậu khô, các loại đỗ và hoa quả.
Một loại vitamin cần thiết nữa để ngăn chặn dị tật ống thần kinh là vitamin B12. Lượng vitamin B12 cần thiết mỗi ngày là 2,6 microgram trong thời gian mang thai. Những nguồn vitamin B12 bao gồm các sản phẩm từ sữa, thịt đỏ, gà và trứng. Cũng giống như acid folic, phụ nữ cần hấp thụ đủ lượng B12 cần thiết trước khi thụ thai và trong suốt thai kỳ để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh.
Phụ nữ có mức vitamin B12 thấp có nguy cơ cao bị mắc rối loạn đường ruột, ngăn cản việc hấp thụ hoặc hấp thụ một lượng rất nhỏ vitamin từ các sản phẩm sữa, trứng và thịt. Những người có chế độ ăn nghèo dinh dưỡng hoặc hạn chế cũng làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi.

diem-danh-nhung-di-tat-thai-nhi-do-che-do-dinh-duong-sai-lam-cua-me-2

Các bệnh khác gây ra bởi chế độ dinh dưỡng sai lầm trong thai kỳ

Bệnh tim bẩm sinh

Những người phụ nữ có chế độ ăn nghèo riboflavin (vitamin B2) và niacin (vitamin B3) có nguy cơ cao sinh con mắc tim bẩm sinh, đặc biệt là khi người mẹ có chế độ ăn giàu chất béo bão hòa. Các sản phẩm từ sữa (ít béo hoặc không có chất béo để tránh chất béo bão hòa), các loại rau có lá màu xanh đậm là nguồn cung cấp vitaminB2 dồi dào. Trong khi vitamin B3 có nhiều trong gà, cá, gan, các loại hạt, ngũ cốc.

Bệnh Gastroschisis

Một chế độ ăn nghèo dinh dưỡng trong thai kỳ là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh Gastroschisis, hay còn gọi là nứt thành bụng. Những đứa trẻ sinh ra bởi người mẹ thiếu protein, kẽm và có chỉ số khối cơ thể thấp thường có nguy cơ cao mắc bệnh này. Thiếu hụt dinh dưỡng, hút thuốc trong thai kỳ cũng là nguyên nhân dẫn đến Gastroschisis.

Thoát vị hoành bẩm sinh

Trong danh sách các dị tật bẩm sinh gây ra bởi chế độ dinh dưỡng không thể thiếu thoát vị hoành bẩm sinh. Phụ nữ có chế độ ăn nghèo vitamin B12, vitamin E, canxi, retinol và selen được xác định có nguy cơ sinh con mắc bệnh cao. Mẹ nên dùng vitamin bổ sung để giúp giảm nguy cơ này.

Hở hàm ếch

Trẻ có mẹ bị thiếu dinh dưỡng thường có nguy cơ cao mắc bệnh hở hàm ếch. Thiếu acid folic và vitamin A ở mẹ cũng là nguyên nhân dẫn đến hở hàm ếch ở con.

Hội chứng rượu bào thai

Theo các bác sĩ, phụ nữ mang thai cần nói không với rượu để tránh hội chứng rượu bào thai. Trẻ mắc hội chứng này sẽ chậm phát triển, cơ thể nhỏ bé và gặp nhiều vấn đề về sức khỏe trong suốt cuộc đời mình.
Dinh dưỡng thích hợp là rất quan trọng cho cả mẹ và bé. Bổ sung vitamin trước và trong quá trình mang thai sẽ cung cấp những vi chất thiết yếu cho sự phát triển của bé.
Một chế độ ăn nghèo dinh dưỡng không chỉ làm tăng nguy cơ khuyết tật thai nhi mà còn dẫn đến sinh non và những rủi ro khi mang thai. Dinh dưỡng trong chế độ thai kỳ là rất quan trọng, vì thế, mẹ cần nhớ rằng chế độ ăn của mình là để đáp ứng nhu cầu của con nhé!