Ép bé ăn hoặc cố lừa bé ăn là mẹ đang từ bỏ cơ hội giúp bé có thói quen ăn khỏe mạnh

0
12446

Trẻ cần ăn nhiều hay cần dạy cách ăn? Đây là câu hỏi mà rất nhiều mẹ băn khoăn và có khi biết nhưng không biết nên bắt đầu như thế nào.

Đối với trẻ nhỏ, chúng ta vẫn thường hay lấy tiêu chuẩn “cân nặng” để đánh giá 1 đứa trẻ khỏe mạnh. Bởi vậy mà cha mẹ lúc nào cũng bắt con ăn để con mập mạp. Câu chuyện mà các bà mẹ có con nhỏ nói chuyện với nhau chỉ xoay quanh “con tôi được ngần này cân rồi đấy”, “con bà không ăn ah? Phải bắt nó ăn chứ”…. Cũng vì vậy mà rất nhiều bà mẹ sợ lời ra tiếng vào của mọi người mà ép con ăn từ đó trở thành áp lực đè nặng lên mỗi người mẹ.

1. 2 lý do mà bạn không nên ép bé ăn

Bằng chứng khoa học cho biết:

– Chỉ có bé biết bé cần bao nhiêu. Bao tử của bé là nhỏ hơn chúng ta rất nhiều. Bé không thể chấp nhận ăn thêm khi nó đã đầy, nhưng người lớn chúng ta có thể cố nhồi thêm vào vì vẫn còn thèm, đó là lí do làm chúng ta mập, tích trữ mỡ. Hệ tiêu hóa non nớt của bé không đủ cho bất cứ gì thêm vào khi đã vừa đầy, đó là cách giúp trẻ tồn tại khỏe mạnh.

– Trẻ con chưa biết món chúng ăn là gì. Bạn nấu món ngon cỡ nào, công phu cỡ nào, và mong đợi bé sẽ ăn hết sạch. Thật buồn, bé không như mong đợi của bạn vì bé cần học hỏi về mùi vị của thức ăn trước. Mà học hỏi thì có từ chối 1 chục lần vẫn là bình thường. Đến khi bé làm quen với mùi vị và não bộ đã hình thành hình ảnh và liên kết với thức ăn đó, thì bé sẽ chấp nhận ăn nó thôi. Hãy bình tĩnh, nghiên cứu lâm sàng cho biết: Phải đến 10-15 lần thử đi thử lại 1 món nào đó, bé mới thích ăn món đó.

2. Ép bé ăn hoặc cố lừa bé ăn là mẹ đang từ bỏ cơ hội giúp bé có thói quen ăn khỏe mạnh

Viện Nhi Khoa Hoàng Gia Anh Quốc đã gửi thông điệp trên đến mọi cha mẹ đang nuôi con bắt đầu ăn dặm.
– Thời điểm cho con ăn dặm từ 6 – 9 tháng tuổi là thời điểm quan trọng cho trẻ học cách ăn, trẻ cũng có cơ hội được thưởng thức món mới, mà trước đó bé chỉ biết đến sữa là nguồn thức ăn chính.


– Trẻ học cách nhai, học cách phân biệt các vị từ thực phẩm tự nhiên, học về màu sắc thức ăn và học về cấu trúc thức ăn cho những giai đoạn sau đó.

3. Cách dạy trẻ ăn như thế nào ?

Ngay từ khi bắt đầu ăn dặm, cha mẹ hãy giúp trẻ:

– Tạo môi trường ngồi ăn không bị chi phối với TV, điện thoại, đồ chơi hoặc nhiều người.
– Ngồi trên ghế ăn dặm hoặc ngồi tựa lưng vào mẹ để ăn nếu bé chưa ngồi vững.
– Hãy giới thiệu lần lượt từng món ăn để trẻ cảm nhận mùi vị thức ăn.
– Hãy thay đổi cấu trúc thức ăn theo độ tuổi để trẻ học cách nhai và luyện tập tốt kĩ năng phân tích cấu trúc thức ăn.


– Hãy ngưng khi trẻ có những biểu hiện no hoặc không muốn ăn như quay đầu, đẩy thức ăn. Hãy đợi đến bữa sau giới thiệu lại.
– Đừng giới thiệu 1 lúc quá nhiều. Hãy bắt đầu món mới với 1-2 muỗng, sau đó tăng dần. Đừng mong đợi quá nhiều bé trước 1 tuổi ăn hết chén này tô nọ, bé chịu thử chịu ăn là bạn đã thành công. Mục tiêu thành công của bạn không nên ở lượng mà là ở cách bé học được gì trong bữa ăn.

Khi trẻ từ 3 tuổi, hãy dạy trẻ điều này: Con có thể ăn ít hơn hoặc quyết định không ăn, nhưng đừng bỏ phí đồ ăn! Việc dạy trẻ giá trị của bữa ăn và đây cũng là cách dạy trẻ về lượng ăn trên 1 tinh thần thỏa thuận.

Chúc ba mẹ thành công!

(BS. Anh Nguyễn)