3 sai lầm mẹ Việt thường gặp khi cho con ăn dặm

0
915

Bắt đầu từ 4 tháng tuổi, bé bước sang giai đoạn mới là giai đoạn tập ăn dặm. Vào thời điểm này cha mẹ thường nghiên cứu và tìm hiểu rất nhiều phương pháp chế biến thức ăn dặm cho con, nhất là những ông bố bà mẹ lần đầu chăm con. Tuy nhiên có khá nhiều sai lầm mà cha mẹ vẫn mắc phải trong quá trình cho bé tập ăn dặm. Và điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển chiều cao, cân nặng cũng như thói quen ăn uống của trẻ sau này.

Hãy cùng Kids Plaza chỉ ra 3 sai lầm thường gặp nhất mà các mẹ Việt đã và đang mắc phải trong khi cho con ăn dặm nhé :

Sai lầm 1: Nguồn cung cấp Canxi chủ yếu từ nước hầm xương

Theo kết quả nghiên cứu của GS.BS.McCance – Bệnh viện King’s College London, Anh Quốc cho thấy: Lượng Canxi có trong nước hầm xương là 12.3 – 67.7mg canxi/240ml nước hầm xương, thấp hơn so với sữa tươi (sữa tươi có 281-303mg/240ml). Hàm lượng này còn chưa tới 1.5% so với lượng quy định RDA của bé ( nhu cầu Canxi hàng ngày). Như vậy, nếu xem việc dùng nước hầm xương là 1 nguồn cung cấp Canxi cho bé là chưa hoàn toàn đúng các mẹ nhé !

Ngoài ra trong 1 nghiên cứu năm 2013, GS.BS.Monro cũng chỉ ra rằng hàm lượng kim loại chì được tìm thấy trong nước hầm xương gà (7.01 – 9.5µg/l) còn cao hơn trong nước máy (trung bình là 0.89µg/l). Như vậy nếu dùng nước hầm xương gà nấu cháo thì có thể dư kim loại chì so với dùng nước máy bình thường để nấu cháo cho bé.

Chính vì vậy, thay vì chỉ nấu cháo cho bé chỉ với nước hầm xương thì cha mẹ nên nấu cùng với thịt vì sẽ cung cấp đủ chất đạm và nhiều chất dinh dưỡng cân bằng khác cho bữa ăn của bé hơn.

Và cha mẹ có thể lựa chọn những thực phẩm khác để bổ sung nguồn cung cấp tốt Canxi cho phát triển xương của bé như phô mai, sữa, cá, tôm,….

Đặc biệt, mẹ cần hạn chế dùng nước hầm xương để nấu cháo cho các bé dưới 1 tuổi vì nguy cơ nhiễm độc kim loại chì, nhất là nước hầm xương gà. Vì như vậy sẽ liên quan tới tiêu hóa, chậm phát triển trí não, dễ mắc các bệnh về thần kinh như tự kỷ, trầm cảm ở trẻ nhỏ.

nuoc-ham-xuong

Sai lầm 2: Nêm gia vị sẽ giúp bé ăn ngon miệng hơn

Viện Nhi khoa Mỹ và Hiệp hội Dinh dưỡng Lâm sàng Anh khuyên: Không nên cho bất cứ đường, muối, bột nêm hay nước mắm ( thậm chí nước mắm trẻ em) vào thức ăn dặm của các bé dưới 1 tuổi bởi như vậy sẽ không gây rối loạn vị giác, dẫn đến thiên về một vị hoặc biếng ăn kéo dài. Hơn thế nữa, khả năng lọc thận của trẻ trong giai đoạn này vốn chưa hoàn thiện nên nếu nêm gia vị vào thức ăn sẽ ảnh hưởng đến bé rất nhiều.

Hương vị thích hợp nhất cho các bé dưới 1 tuổi chính là vị của sữa mẹ hoặc của rau củ, hoa quả, thịt cá tự nhiên. Do vậy, nếu thường xuyên nêm gia vị vào bột ăn dặm của bé sẽ khiến bé bị rối loạn vị giác, lúc đó có thể bé chỉ thích một loại đồ ăn đó mà không ăn những loại thức ăn khác, dẫn đến tình trạng kén ăn, thậm chí bỏ ăn nếu bé quá nhạy cảm.

nem-gia-vi

Sai lầm 3: Thay thế hoàn toàn gạo bằng yến mạch

Hiện nay có rất nhiều bà mẹ Việt hiện đại áp dụng chế độ ăn của phương Tây cho con hàng ngày và điển hình là việc cắt khẩu phần gạo trong bữa mà thay vào đó là cho con ăn yến mạch. Nhưng theo khuyến cáo của Trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng Anh Quốc có viết về thứ tự các loại tinh bột cho trẻ em Châu Á thì gạo nên là dạng tinh bột đơn đầu tiên phù hợp với các bé, khi đã quen dần với gạo thì cha mẹ có thể bổ sung thêm yến mạch, bún, mì vào khẩu phần ăn của bé.

Đối với những tinh bột bổ sung này, mẹ có thể cho bé ăn 2 bữa/tuần, không nên thay thế hoàn toàn cháo từ gạo.

yen-mach