Đã bao nhiêu lần bạn tắt đi cơ hội phát triển của con?

0
7841

Khi con bước dần sang 2 tuổi, bé bắt đầu có nhiều câu hỏi đặt ra cho bạn. Nhiều cha mẹ chọn giải pháp là phớt lờ những câu hỏi và hướng trẻ đến 1 việc khác.

Độ tuổi có nhiều câu hỏi nhất là từ 2-6 tuổi. Trong 1 nghiên cứu, cho thấy 1 đứa trẻ ở tuổi trên có thể hỏi 312 câu hỏi 1 ngày. Nhiều cha mẹ chọn giải pháp là phớt lờ những câu hỏi hoặc họ chọn cách trả lời đại khái để cho xong câu hỏi của trẻ. Ngày nay cha mẹ có nhiều thứ để làm, cần tập trung do đó họ thường phớt lờ trả lời câu hỏi ở trẻ, ví dụ như họ lướt web hoặc họ chơi ipad. Có nhiều bạn cho rằng trẻ chọn thời điểm hỏi quá “khó khăn”, ví dụ như đang nấu ăn, trẻ chạy vào hỏi: “Mẹ đang làm gì?” “Sao mẹ không chơi với con nữa”?

Tuy nhiên,với những nghiên cứu của TS. Chouinard, ĐH California, Mỹ đã cho thấy: Việc đặt câu hỏi của trẻ cho cha mẹ, đặc biệt ở các bé từ 2-4 tuổi, là liên quan đến 1 cơ chế thu nhập thông tin đòi hỏi cho phát triển nhận thức ở trẻ. Những câu hỏi của trẻ liên tục và hỏi bất cứ lúc nào là một cơ chế hoàn toàn tự nhiên để trẻ lấy thông tin. Nếu những câu hỏi được trả lời một cách quan tâm, có hướng dẫn và có nội dung thì trẻ sẽ phát triển rất tốt về nhận thức.

Cách trả lời những câu hỏi của trẻ.

Để cơ chế tiếp nhận thông tin đòi hỏi hoạt động tốt, khi trẻ hỏi và được trả lời, câu trả lời của cha mẹ cần hội đủ 2 yếu tố sau:

1. Cha mẹ phải thể hiện được thái độ: trẻ được quan tâm khi hỏi.

2.Câu trả lời của cha mẹ cần cho thông tin, ngắn gọn, chủ yếu nhấn mạnh ngôn ngữ và hành động (đối với trẻ 1-3 tuổi), nhưng tương đối đủ, có giải thích cho trẻ từ 4-8 tuổi.

Những thái độ sau của cha mẹ có thể được chấp nhận là tích cực:

Không phải lúc nào bạn cũng có câu trả lời, cách thể hiện đúng thái độ trì hoãn câu trả lời của bạn cũng mang lợi ích phát triển cơ chế tiếp nhận thông tin đòi hỏi của trẻ:

– Nếu câu trả lời bạn không rõ, bạn cứ nói: “cái này mẹ không rõ, sao chúng ta không ghi chú lại, ngày mai chúng ta đi nhà sách/thư viện mẹ con ta cùng tìm câu trả lời nhé!”. Nói là phải làm, bạn phải viết lên 1 ticker, rồi dán lên bảng thông tin của gia đình và ghi chú “Mai mẹ con ta đi nhà sách nhé!”
Nhà văn nổi tiếng thế giới với tập truyện Harry Potter là JK Rowling đã từng bị cô con gái của mình hỏi những câu hỏi “hóc búa”, nhưng cô Rowling đã nói với bé rằng: Mẹ không biết câu trả lời, mẹ cũng muốn biết câu trả lời, tại sao chúng ta không ra tiệm sách tìm câu trả lời khi mẹ hoàn thành xong nốt 2 trang này nhé. Mẹ đã note xuống rồi. Cô bé tí tởn vui mừng và luôn nhắc mẹ về việc ra nhà sách tìm câu trả lời. Tôi tin chắc rằng thế giới cô bé rất giàu yêu thương và được quan tâm.

– Nếu bé hỏi lúc bạn đang bận, như đang viết bài luận, hoặc đang nấu ăn, hoặc đang chơi game trên máy tính, bạn hãy dừng 5 phút để trả lời bé hoặc cho bé 1 giải thích là “mẹ sẽ tìm câu trả lời của con sau khi mẹ xong việc nhé”.
Người phụ nữ Hong kong thành đạt Trần Mỹ Linh, đã nuôi dưỡng thành công cả 3 đứa con vào học trường ĐH danh tiếng Stanford, Mỹ đã chia sẽ: “Khi con hỏi tôi vấn đề nào, mặc dù tôi đang nấu ăn, nhưng tôi đã tắt lửa để lắng nghe và trả lời con” . Không phải ai cũng làm được như bà, hành động tắc bếp và lắng nghe thể hiện 1 thái độ tôn trọng trẻ và xem việc trả lời câu hỏi của trẻ là quan trọng trên tất cả.

Những hành động của cha mẹ làm mất cơ chế tiếp nhận thông tin:

– Ngày nay, cha mẹ thường dành quá nhiều thời gian cho facebook, lên web, chơi game, ipad, thường không dành nhiều thời gian để lắng nghe và trò chuyện với trẻ. Bên cạnh đó những đứa trẻ cũng được tiếp cận và làm quen với thiết bị điện tử quá sớm hoặc bị cha mẹ ít quan tâm do ba mẹ có quá nhiều việc, những đứa trẻ này sẽ dần ít đặt câu hỏi hơn và cơ chế tiếp nhận thông tin đòi hỏi cũng bị thay đổi

– Trả lời đại khái: không nội dung hoặc phớt lờ câu trả lời của trẻ. Điều này cha mẹ hay mắc phải. Mặc dù không phải lúc nào bạn cũng cần trả lời nghiêm túc.
VD, câu hỏi của trẻ nếu chỉ để gây chú ý như “mẹ, cái này sao?” hoặc “mẹ con ăn kem được không? Tại sao?” thì bạn chỉ cần cho bé biết điều bạn đồng ý hay không. Nhưng đối với những câu hỏi có nội dung, bạn nên dành thời gian trả lời có nội dung.

Những câu hỏi và cách trả lời

– Trẻ dưới 2.5 tuổi, câu hỏi thường không rõ ràng vì trẻ học nói và hay nói nhanh, các âm thường dính lại với nhau. Do đó, đôi lúc bạn không nghe được cái gì bé muốn hỏi, bạn đừng bỏ qua giây phút này vì chính những lúc này bạn vừa giúp cơ chế tiếp nhận thông tin đòi hỏi phát triển, mà còn giúp trẻ hoàn thiện ngôn ngữ tốt hơn. Bạn chỉ cần bảo bé nói lại, nhưng 1 số bé cá tính chỉ nói lại 1-2 lần, nếu bạn tỏ ra không hiểu thì sẽ làm bé rất khó chịu . Lúc này, bạn sẽ cần phải thể hiện thái độ tích cực và lắng nghe (VD như bạn nói: “uh mẹ hiểu, con hướng dẫn mẹ thử”) Bạn cho bé dẫn đến cái bé nói, để bé tập nói từ từ, điều này cũng làm bạn dần hiểu để có câu trả lời thuyết phục hơn. Bạn sẽ ngạc nhiên, sau vài lần như vậy trẻ nói tốt hơn và nhận thức cũng tốt hơn.

– Trẻ trên 2.5 -4 tuổi, các câu hỏi liên quan tới: cái gì, như thế nào, tại sao,… Bạn luôn mở đầu với câu: “để mẹ thử trả lời câu hỏi con nhé, …”. Câu trả lời nên ngắn gọn, tầm 2 câu, nhấn mạnh ngôn ngữ và hành động để trẻ học.

– Trẻ từ 4 tuổi trở lên, câu hỏi của bé khá phức tạp, tần suất hỏi sẽ dày hơn. Câu trả lời của bạn là phải có nội dung, không nên trả lời sai (nếu không biết, bạn cứ nói không biết và sẽ trả lời sau). Đối với câu hỏi tại sao hoặc như thế nào, bạn nên giúp bé hiểu rõ quy trình hoặc bằng 1 thí nghiệm khoa học vui sẽ mang rất nhiều lợi ích cho độ tuổi này. Một số nghiên cứu cho thấy, trẻ độ tuổi này làm quen với các thí nghiệm khoa học thực tế sẽ rất yêu thích và học giỏi các môn khoa học tự nhiên khi trẻ lớn hơn.

VD: Trẻ hỏi bạn về vòng đời của con ếch từ con nòng nọc, bạn có thể cho bé vào sở thú xem quy trình con nòng nọc thành ếch, hoặc cho bé xem 1 quyển sách có hình ảnh, hoặc video có đoạn nòng nọc thành ếch. Hoặc tốt hơn cả là nuôi 1 con nòng nọc trong hồ kiếng và xem quy trình biến thành ếch của chú nòng nọc nhỏ.

Ngày nay, cha mẹ có nhiều việc bị chi phối như công việc, internet, mạng xã hội, ngày càng ít thời gian hơn cho gia đình. Nhưng, những đứa trẻ đang lớn lên cần bạn để giúp trẻ nhận thức thế giới quan. Do đó, những thời gian bạn nên dành để đáp ứng và cho trẻ biết là “mình được quan tâm và câu hỏi mình luôn được trả lời” thì đó là cách giúp trẻ phát triển não bộ toàn diện. Hãy tưởng tượng, nếu bạn thuyết trình cho 1 người không quan tâm chủ đề bạn nói, họ có thái độ thờ ơ thì cảm giác bạn như thế nào mặc dù bài thuyết trình của bạn rất tuyệt vời và được chuẩn bị rất hoàn hảo. Cảm giác hụt hẫng và thất vọng của bạn cũng tương tự cảm giác của bé nếu câu hỏi của bé không được bạn quan tâm.

Notes:
Chouinard M.M. (2007) Children’s questions: a mechanism for cognitive development. Monogr Soc Res Child Dev. 2007;72(1):vii-ix, 1-112; discussion 113-26.

(Theo BS Anh Nguyen)