Dinh dưỡng trong thai kỳ ảnh hưởng sự phát triển thai nhi

0
658

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, tùy vào cơ địa từng người và mức độ ốm nghén cân nặng có thể không tăng hoặc tăng ít nhưng hợp lý nhất là tăng từ 1 tới 2kg. 3 tháng giữa tăng khoảng từ 3 đến 4 kg và 3 tháng cuối là khoảng thời gian tăng cân nhiều nhất dao động từ 5 tới 6 kg. Trong quá trình mang thai mẹ tăng cân tốt thì khi sinh ra thai nhi có cân nặng trên 3 kg. Tăng cân tốt cũng có nghĩa là mẹ đã dự trữ lượng mỡ trong cơ thể để tạo nhiều sữa sau khi sinh. Nếu bạn tăng cân quá ít trong thời kỳ mang thai, trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng trong bào thai (cân nặng nhỏ hơn 2,5kg), ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần sau này của trẻ. Do vậy trong khi mang thai bạn cần có chế độ ăn uống khoa học và hợp lý.

Ăn cho hai người có hợp lý?

Thông thường các mẹ bầu luôn quan niệm rằng khi mang thai mình không chỉ ăn cho bản thân mà còn ăn cho cả em bé trong bụng. Đúng là khi có thai thì nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng tăng cao hơn bình thường và cần được đảm bảo năng lượng để cung cấp các hoạt động cơ thể, thay đổi sinh lý của mẹ như chuyển hóa, tăng cân, tăng khối lượng tuần hoàn, tăng khối lượng của tử cung, vú…và cần thiết cho cả sự phát triển của thai nhi và tạo sữa cho con bú. Bữa ăn của mẹ cần được đảm bảo cả về số và lượng.

Vậy người mẹ ăn bao nhiêu là đủ?

Để đảm bỏa dinh dưỡng một bữa ăn của mẹ bầu cần có đủ 4 nhóm thực phẩm như:

– Tinh bột (gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn,…)

– Nhóm chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu đỗ…).

– Nhóm chất béo gồm: dầu, mỡ, vừng, lạc…

– Nhóm vitamin và khoáng chất, chất xơ bao gồm: rau xanh và hoa quả chín.

Trong 3 tháng đầu nếu mẹ bầu bị ốm nghén nặng, nôn ói, mệt mỏi không ăn được nhiều, sợ cơm thì có thể thay thế bằng các món yêu thích khác như: bún, miến, phở, ăn ít và ăn làm nhiều bữa. Thực phẩm thuộc nhóm chất bột cần được lưu ý vì nó cung cấp năng lượng cho cơ thể mẹ và thai nhi nhưng cần có tỷ lệ cân bằng với các thực phẩm khác, nếu không nó sẽ gây hại cho sức khỏe của mẹ và sức khỏe của thai nhi.

dinh-dưỡng-trong-thai-kỳ-ảnh-hưởng-sự-phát-triển-thai-nhi

Mang thai cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng (ảnh minh họa)

6 tháng sau năng lượng một ngày của mẹ bầu cần cung cấp là khoảng 2.550kcal/ngày, nhiều hơn người bình thường 350kcal/ngày tương đương từ 1 đến 2 bát cơm/ngày.

Chất đạm lại vô cùng cần thiết để cung cấp protein cho thai nhi, nhau thai hình thành, phát triển, chất đạm rất cần thiết để phát triển các hoạt động của thai nhi đặc biệt là não bộ. Chất đạm có trong nhiều thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua…đặc biệt các thực phẩm cua, ốc, sữa, cá, tôm vừa giầu chất đạm vừa giầu canxi rất tốt cho khung xương của mẹ và bé. Ngoài các nguồn đạm từ động vật ra, mẹ bầu có thể tận dụng nguồn đạm từ thực vật như: đậu lành, đậu xanh, vừng, lạc không những hàm lượng đạm cao mà còn giầu chất béo (tạo năng lượng dự trữ và gây dựng tế bào thai nhi, vừa giúp hấp thu các vitamin như A, D, E) cùng các vitamin và khoáng chất.

Rau xanh và quả chín  lại là nguồn thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất không thể thiếu cho cơ thể. Các loại rau củ quả như: cà rốt, bí đỏ, bí xanh, su hào, súp lơ, bắp cải, rau muống, rau bắp cải, rau chân vịt, rau mồng tơi…cùng các loại hoa quả như: chuối, na, xoài, dừa, táo, cam, bưởi cung cấp nhiều vitamin C, vitamin A, E vừa giúp tăng cường sức đề kháng vừa chứa nhiều sắt, axit folic tham gia quá trình tạo máu.

Ngoài việc ăn uống cân bằng mẹ bầu có thể uống thêm sắt, canxi, vitamin tổng hợp, riêng sắt mẹ bầu có thể uống 60mg sắt, 0.4mg folic hàng ngày từ lúc mang thai đến sau khi sinh 1 tháng.

Trong quá trình mang thai  mẹ bầu cần uống nhiều nước, tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, thuốc lá, nước chè đặc, các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi, giấm.

Nguồn: tổng hợp