Mách mẹ có nên cho trẻ uống sữa tươi không đường?

0
21485

Nhiều mẹ tin rằng uống sữa có đường mới giúp bé tăng cân, mới cung cấp đủ năng lượng cho bé vận động, vì thế luôn ưu tiên chọn sữa có đường thay vì sữa không đường cho bé. Thế sữa không đường không tốt cho bé bằng loại có đường? Mẹ có nên cho trẻ uống sữa tươi không đường?

Thời điểm phù hợp cho trẻ uống sữa tươi

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chỉ nên cho trẻ dùng sữa tươi khi trẻ đã hơn 1 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi nên cho bú mẹ thay vì cho uống sữa tươi. Lý do vì sữa tươi có hàm lượng đạm, canxi và photpho cao, nếu cho trẻ dưới 1 tuổi uống sẽ dễ có nguy cơ bị quá tải thận. Về lâu dài có thể khiến trẻ có nguy cơ bị cao huyết áp, béo phì khi trưởng thành. Ngoài ra lượng đạm cao còn gây chướng bụng, khó tiêu, làm trẻ chán ăn. Sữa tươi có ít sắt, nghèo vi lượng nên trẻ dưới 1 tuổi sử dụng sữa tươi như thực phẩm chính sẽ có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt, thiếu vi lượng.

Hàng ngày việc cha mẹ chọn thời điểm cho trẻ uống sữa cũng rất quan trọng. Trước các bữa ăn chính 2 giờ thì không nên cho trẻ uống sữa hoặc ăn các thức ăn vặt khác vì có thể làm trẻ no và lười ăn khi vào bữa chính. Cách tốt nhất là cho trẻ uống sữa tươi sau bữa ăn chính từ 1-2 giờ.

Uống sữa tươi không đường có tốt không?

Để trả lời câu hỏi mẹ có nên cho trẻ uống sữa tươi không đường, mẹ cần tìm hiểu xem bé uống sữa tươi không đường có tốt không.

Thành phần cơ bản có trong sữa tươi có đường và sữa tươi không đường chính là sữa tươi nguyên chất. Có thể thấy, cả hai loại sữa đều có thành phần chính là như nhau, chỉ khác là sữa tươi có đường sẽ được bổ sung 1 lượng đường nhất định chiếm khoảng 3%. Đây là lí do mà sữa tươi có đường có độ ngọt và dễ uống hơn.

Việc sữa tươi có đường có vị ngọt dễ uống hơn, được bé yêu thích hơn và giúp bé uống nhiều hơn dẫn đến việc tăng cân. Điều nàu đã khiến nhiều mẹ nhầm lẫn rằng uống sữa tươi có đường giúp bé tăng cân và năng động hơn so với sữa tươi không đường.

Trong sữa tươi không đường đã có lượng đường rất tự nhiên nhất định nên uống sẽ có vị ngọt nhẹ đặc trưng. Việc tinh giảm lượng đường vào cơ thể thực chất có lợi cho trẻ rất nhiều. Bản thân trẻ đã có lượng đường cần thiết để vận động các hoạt động trong ngày, việc mẹ bổ sung sữa có đường về lâu dài tạo thành nguồn năng lượng rỗng làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ.

Các chuyên gia dinh dưỡng đã tạo ra các nguồn sữa không đường tách béo bằng phương pháp khoa học, giúp cho lựa chọn của mẹ càng thêm phong phú. Vừa có thể đảm bảo được nguồn dinh dưỡng bổ sung cho con trẻ, vừa kiểm soát được lượng đường và chất béo dung nạp vào.

Bé uống sữa không đường, nhất là với các bé có thói quen uống sữa vào ban đêm, cũng giảm hẳn được nguy cơ sâu răng do đường giữ lại trong vòm miệng.

Tập cho bé làm quen với sữa không đường ngay từ ban đầu sẽ giúp bé làm quen tốt hơn với chế độ ăn uống ít ngọt. Nó rất tốt cho sức khỏe và thói quen sống cả về hiện tại và lâu dài của bé.

Cho trẻ uống bao nhiêu sữa một ngày là phù hợp?

Các bậc phụ huynh lưu ý trẻ dưới 1 tuổi thì không cho uống sữa tươi, chỉ nên bổ sung sữa tươi vào chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ trên 1 tuổi theo liều lượng cụ thể như sau:

Đối với trẻ trên 1 tuổi uống sữa tươi ít, khoảng 100ml- 150ml/ ngày.

Đối với trẻ trên 2 tuổi với liều lượng khoảng 200-300ml/ngày. Trẻ nên được xen kẽ những loại sữa công thức (dạng bột pha hay dạng pha sẵn) vì đã được bổ sung sắt, kẽm, vi chất… cần thiết cho nhu cầu phát triển của trẻ theo các lứa tuổi.

Đối với trẻ 2-3 tuổi trở lên, có thể cho trẻ uống lượng sữa tươi nhiều hơn khoảng 300ml-500ml/ngày, vì lúc này chế độ ăn đa dạng sẽ giúp trẻ nhận đủ các dưỡng chất và có khả năng tiêu hóa, hấp thu các thức ăn tốt hơn.

Với thiếu niên, có thể sử dụng sữa tươi thay sữa bột và đảm bảo tổng lượng sữa từ 500-700ml/ngày. Ngoài ra cần linh hoạt kết hợp chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất.

Lưu ý về liều lượng tiêu thụ rất quan trọng vì vẫn còn nhiều bậc phụ huynh nghĩ sữa tốt cho sức khỏe, nhất là chiều cao của con nên cứ cố “ép” con uống càng nhiều càng tốt. Thế nhưng nếu uống quá nhiều sữa trẻ sẽ dễ béo phì, hoặc trẻ không được rèn luyện thói quen nhai, lâu dài kén hoặc khó ăn các thức ăn đặc dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu chất xơ gây táo bón, cơ thể phát triển không toàn diện.

Xem thêm>>