Những điều cần biết về bệnh sởi, cách phòng và chống bệnh

0
4780

1. Phương thức lây truyền của sởi?

Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín thì hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh.

2. Ai có nguy cơ mắc sởi?

Trẻ em không được tiêm vắc xin sởi có nguy cơ cao nhất mắc bệnh sởi, bị các biến chứng của bệnh sởi. Những người không có miễn dịch với vi rút sởi (người không được tiêm vắc xin hoặc tiêm vắc xin nhưng không sinh miễn dịch) đều có thể bị mắc sởi.

3. Các biểu hiện của bệnh sởi?

Biểu hiện của bệnh bao gồm: sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng (Koplik) ở niêm mạc miệng. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.

Một số bệnh có triệu chứng giống với sởi nên cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có phát ban dạng sởi như: Rubella, nhiễm enterovirus, bệnh do Mycoplasma pneumoniae, sốt mò, phát ban mùa xuân trẻ em, ban dị ứng, nhiễm vi rút Epstein-Barr.

4. Sự nguy hiểm của bệnh viêm phổi và bệnh sởi?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm ghi nhận trên 1,1 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong do viêm phổi, nhiều hơn cả số tử vong do bệnh AIDS, sốt rét và lao cộng lại. Sởi cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ nhỏ, tuy nhiên có số tử vong thấp hơn rất nhiều so với bệnh viêm phổi. Trong năm 2012 đã ghi nhận 122.000 trường hợp tử vong do sởi, ước tính mỗi ngày có khoảng 330  trường hợp và mỗi giờ có khoảng 14 trường hợp tử vong do sởi trên phạm vi toàn cầu, hầu hết trường hợp tử vong là trẻ dưới 5 tuổi.

5. Các biện pháp chủ yếu phòng bệnh sởi?

Việc phòng bệnh sởi theo biện pháp thông thường là  rất khó khăn, chỉ có tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Do đó, các biện pháp phòng bệnh sởi tập trung chủ yếu vào các nội dung sau:

– Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.

– Nâng cao sức đề kháng cơ thể.

– Cách ly và chăm sóc y tế bệnh nhân.

– Tăng cường vệ sinh cá nhân.

– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh

– Thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh

6. Vắc xin phòng bệnh và đáp ứng miễn dịch?

Sử dụng vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Miễn dịch có được sau mắc bệnh hoặc sau tiêm vắc xin bền vững; thực tế nếu tiêm sởi mũi 1, hiệu quả bảo vệ đạt từ 80-85%, nếu trẻ tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin sởi thì hiệu lực bảo vệ đạt từ 90-95%, vì vậy vẫn có khoảng 5-15% số trẻ đã tiêm vắc xin sởi nhưng không có đáp ứng miễn dịch và có thể mắc bệnh khi bị nhiễm vi rút sởi.

7. Khi nào tiêm vắc xin phòng sởi?

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nên tiêm phòng 2 mũi vắc xin sởi để phòng bệnh, mũi 1 vào khoảng 12-15 tháng tuổi, tuy nhiên tại các khu vực thường xuyên có ca bệnh sởi có thể tiêm sớm hơn. Hầu hết các nước trên thế giới áp dụng tiêm mũi vắc xin sởi đầu tiên trong khoảng 9-12 tháng tuổi.

Do nước ta hàng năm vẫn ghi nhận trường hợp mắc sởi nên lịch tiêm vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của nước ta được thực hiện tiêm mũi đầu tiên khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 khi trẻ 18 tháng tuổi. Việc tiêm phòng vắc xin sởi bắt đầu từ tháng thứ 9 là tốt nhất để bổ sung cho trẻ có miễn dịch tốt hơn sau khi miễn dịch bảo vệ của mẹ truyền cho con hết vào tháng thứ 9 sau khi ra đời.

8. Điều trị và chăm sóc bệnh sởi?

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, việc điều trị chủ yếu để phòng bội nhiễm và điều trị các biến chứng nặng do sởi gây ra. Bệnh sởi là bệnh rất dễ lây và thường có các biến chứng do đó khi phát hiện trẻ có các biểu hiện của bệnh sởi cần đưa trẻ ngay đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị, chăm sóc và cách ly để hạn chế các biện chứng nặng của sởi và phòng lây nhiễm cho cộng đồng.

Hiện nay phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh sởi đã được triển khai thống nhất trên toàn quốc, các bệnh viện tỉnh, huyện đều có thể điều trị bệnh sởi, do đó đối với những trẻ mắc sởi ở các thể nhẹ hoặc các bệnh thông thường khác, các gia đình nên hạn chế chuyển trẻ lên bệnh viện tuyến trên nơi đang điều trị các ca sởi nặng nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

9. Khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế để phòng chống bệnh sởi?

– Chủ động đưa toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng từ 9 – 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vắc xin sởi theo kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi. Những nơi có các ổ dịch tập trung, trẻ có nguy cơ cao cần được tiêm vắc xin sởi theo khuyến cáo của cơ quan y tế địa phương.

–  Đối với các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, cần đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với các loại bệnh có vắc xin dự phòng, trong đó có vắc xin sởi.

– Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

– Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, đảm bảo các biện pháp về dinh dưỡng và các biện pháp dự phòng khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế.​​​​

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế