Bé 3 tháng phải phẫu thuật não do thói quen rung lắc dỗ cháu của ông nội

0
59356

Thói quen tung lắc nhằm mục đích chơi đùa hoặc dỗ trẻ nín khóc là một thói quen tai hại của các ông bố bà mẹ nước ta. Thậm chí việc này có thể biến trẻ thông minh thành thiểu năng trí tuệ. Trên thế giới đã cảnh báo rất nhiều về hành động này có thể để để lại những di chứng rất nặng nề cho trẻ và bạn sẽ ân hận suốt đời.

Theo truyền hình Giang Tô (TQ) đưa tin, bé Bé Vệ Vệ, 3 tháng tuổi, đang nằm viện trong cơn nguy kịch, đầu dán bông gạc sau khi mổ não .

Sự việc đau lòng này bắt đầu từ thói quen của người lớn. Mỗi khi trẻ khóc thường bế xốc lên và đung đưa. Đôi khi, trẻ càng khóc to thì người bế lại càng rung lắc mạnh hơn để mong bé nín.

Theo lời ông Hàn, ông nội của bé, lúc bế cũng chỉ rung lắc một lúc rồi thôi. Khoảng 20 phút thì ông lắc có mạnh 2 lần. Không ngờ sau đó thấy bé có biểu hiện bất thường, phải đưa vào viện khám.

Bác sĩ Triệu Đông Lượng, Trưởng khoa Thần kinh BV Đại học Tô Châu (TQ) cho biết, kết quả chụp phim cho thấy não của bé bị tổn thương, có nhiều dịch ứ, dù đã phẫu thuật nhưng có thể vẫn để lại di chứng về sau, phải theo dõi thêm.

Bác sĩ Lượng nhắn nhủ, trẻ nhỏ não bộ đang trong quá trình phát triển, kết cấu lỏng lẻo, mọi sự kết nối giữa các bộ phận đều non nớt. Nếu bế rung lắc trẻ quá mạnh vô tình làm cho não bị di duyển, gây tổn thương khó nhận biết.

Theo y tá khoa nhi Triệu Minh Quyên, trong quá trình điều trị và chăm sóc trẻ bị bệnh, cô thấy rất nhiều người bế trẻ lắc lư đung đưa như một thói quen khó bỏ. Nhiều người thậm chí còn tung trẻ lên cao như tung quả bóng.

Chị nhắc nhở, tốt nhất khi bế trẻ nên giữ nguyên cơ thể trẻ một cách ổn định, không lắc trẻ sang hai bên, không vừa bế vừa rung, đặc biệt không bế bé dựng đứng và lắc lên lắc xuống.

rung-lac-tre-so-sinh-1

Một bé gái khác, 3 năm trước cũng đã từng vào viện để mổ não hút dịch do bị rung lắc khi bế. Đến nay đã hơn 3 tuổi, sức khỏe có sự hồi phục nhưng vẫn mang theo những di chứng vĩnh viễn.

Mẹ bé cho biết, một lần cô ra ngoài và nhờ bố của bé chăm con. Có thể do thiếu kinh nghiệm và nóng nảy khi dỗ bé nên anh đã rung lắc mạnh khiến cho não bé bị tổn thương, phải nhập viện và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, đa số hội chứng rung lắc gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, trong đó, tỉ lệ mắc hội chứng lắc xảy ra cao nhất ở trẻ nhũ nhi (0-6 tháng tuổi). Ở trẻ sơ sinh, kích thước đầu và trọng lượng chiếm khoảng 1-4 so với toàn cơ thể. Trong đầu, có những khoảng trống giữa não và xương sọ cho phép não tiếp tục lớn và phát triển.

Não của trẻ khá mềm với màng não mỏng. Khối cơ của cổ lại quá yếu không đủ sức nâng đỡ đầu, nên khi bị rung lắc sẽ có khuynh hướng gập tới gập lui hay xoay qua xoay lại một cách không kiểm soát được.

Khi bị rung lắc, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này, sẽ chuyển lực tới não, khi não không có sự di chuyển đồng bộ và gây ra sự va đập trở lại tới xương sọ, làm dập não, tăng áp lực, phù và chảy máu trong não. Các tĩnh mạch lớn dọc theo phía ngoài não cũng mỏng manh và dễ rách, gây chảy máu, máu tụ dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện, tăng áp lực nội sọ.

Nguyên nhân và triệu chứng

Các nguyên nhân lại rất thông thường và không bởi tai nạn. Hầu hết các trường hợp gây ra khi đứa trẻ khóc liên tục không ngừng và không dỗ được khiến cho cha mẹ hoặc người chăm sóc nỗ lực làm đứa trẻ ngừng khóc hoặc những người này trong tình trạng bực bội, mất kiên nhẫn và kiểm soát. Những nỗ lực này được thể hiện bằng cách rung lắc trẻ với cường độ cao hoặc có các hành vi mạnh hay có tính bạo lực hơn. Hiện tượng này rất phổ biến một cách không cố ý và không hề chủ tâm gây nguy hiểm cho trẻ.

Triệu chứng: Cần lưu ý rằng rất nhiều trẻ không có triệu chứng rõ rệt bên ngoài. Các dấu hiệu rõ rệt hơn bao gồm:

– Trẻ bị kích thích mạnh, thay đổi hành vi thông thường, không tiếp xúc

– Đờ đẫn, lơ mơ, hoặc ngủ mê mệt, trương lực cơ giảm (cơ nhẽo)

– Da xanh tái, nhìn thấy rõ nhất vùng trán

– Ăn, bú khó, khó nuốt hoặc nôn không có lý do rõ ràng

– Khó thở, ngừng thở hoặc co giật

– Những dấu hiệu cho thấy chấn thương cổ, sưng nề, cứng cổ, nghẹo về một bên, khó quay.

Chẩn đoán, sơ cứu và điều trị ban đầu

Chẩn đoán: Thường không nhìn thấy các triệu chứng của tổn thương từ bên ngoài. Tuy nhiên bác sĩ nhãn khoa có thể phát hiện các chảy máu võng mạc mắt khi soi đáy mắt. Khi nghi ngờ, các bác sĩ nhi khoa có thể tiến hành chụp cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ để tìm thương tổn.

Sơ cứu ban đầu:

– Hãy gọi cấp cứu, đừng cố vận chuyển trẻ tới bệnh viện trên các phương tiện thông thường.

– Đừng bế xốc trẻ lên hay cố gắng lắc thêm làm cho trẻ tỉnh lại

– Không cho trẻ ăn lúc này

– Nếu đứa trẻ ngừng thở trước khi có cấp cứu hỗ trợ, cần phải hô hấp nhân tạo để trợ giúp

– Nếu trẻ có nôn và không có nghi ngờ chấn thương cổ, có thể xoay đầu trẻ nhẹ nhàng về 1 phía để tránh sặc và ngừng thở. Nếu có nghi ngờ chấn thương cổ, tránh xoay trở trẻ và bảo vệ cẩn thận vùng cổ.

Điều trị: Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ phải xem xét các thương tổn và quyết định một số điều trị như phẫu thuật cầm máu, dẫn lưu trong não thất, thuốc chống giật, v..v..

Chúng ta hãy nhìn biểu hiện của bé để biết hậu quả của việc rung lắc nhiều như thế nào. Hãy dừng ngay việc này và chia sẻ cho những người có con nhỏ biết càng sớm càng tốt.

Theo Tổng hợp

>> Tham khảo ngay TOP sản phẩm đang được bán chạy nhất tại siêu thị mẹ và bé Kidsplaza: