Mẹo hay đối phó với trẻ biếng ăn

0
651

1. Thiết lập thói quen ăn uống khoa học

Dù bé ăn ít hay ăn nhiều, mẹ cũng chỉ cho bé ăn một ngày 5 bữa, 3 bữa chính và 2 bữa phụ. Các bữa ăn chính và bữa ăn phụ được sắp xếp vào một giờ nhất định để trẻ dần nhận biết cảm giác no, đói. Các bữa ăn vặt nên trước bữa ăn khoảng 2 tiếng, với các loại trái cây, nước trái cây, sữa xen kẽ đều với giữa các bữa ăn chính.

2. Trẻ con ăn bằng mắt

Một món ăn được trang trí đẹp mắt, nhiều màu sắc rất dễ hấp dẫn vị giác của trẻ. Do đó, mẹ hãy biến tấu các món ăn phổ biến thành những hình thù nhìn lạ mắt và hấp dẫn giác quan. Ví dụ, món cơm được vẽ thêm hình mặt cười hoặc bông cải xanh được cắt tỉa ngộ nghĩnh, rau củ được tỉa hoa…

Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho bé làm quen với nhiều loại thực phẩm màu sắc, thậm chí mẹ có thể khuyến khích trẻ cùng tham gia chuẩn bị món ăn nếu trẻ đã lớn.

Ảnh: Sưu tầm Internet

Mẹ cho bé làm quen với nhiều thực phẩm hơn

3. Khi bé ăn quá ít mà không hề kêu đói

Mẹ lo lắng vì thấy bé chạy nhảy hết chỗ này sang chỗ khác mà rất ít khi thèm ăn? Đừng lo lắng quá! Theo nhiều nghiên cứu, trẻ không có thói quen ăn uống đều đặn như người lớn nên lúc ngán thì ăn rất ít nhưng khi thấy đói sẽ ăn rất nhiều.

Nếu bé nhà bạn rơi vào trường hợp này, không nên tìm mọi cách ép trẻ ăn mà chỉ cần cho bé ăn vừa đủ sau đó cho bé ăn dặm thêm. Mẹ chỉ cần thường xuyên theo dõi biểu đồ tăng trưởng và trọng lượng của bé là được.

4. Mẹ hãy đa dạng các món ăn

Nếu ngày nào mẹ cũng dọn cho bé một món thì chẳng có gì ngạc nhiên khi trẻ không muốn ăn. Vì vậy mà mẹ hãy quan tâm nhiều hơn tới thực đơn của bé, thường xuyên làm mới món ăn và làm mới cách chế biến cho phù hợp với khẩu vị của bé.

5. Chiến thuật “bỏ đói”

Nếu bé phản ứng dữ dội, mẹ hãy dừng lại, cho bé nghỉ khoảng 2 – 3 phút, nhưng không phá vỡ toàn bộ bữa ăn. Sau một khoảng thời gian để cho bé nghỉ ngơi, mẹ tiếp tục từ tốn cho bé ăn.

6. Bữa ăn của trẻ chỉ nên kéo dài 15 – 30 phút.

Ngay cả khi bé chưa ăn đủ lượng, mẹ có thể khéo léo cho bé ăn bù vào bữa sau chứ không nên cố gắng ép trẻ ăn thật lâu, thật nhiều trong một bữa. Vì như vậy, trẻ sẽ rất dễ bị ác cảm với thức ăn, dần hình thành phản xạ lảng tránh bữa ăn.

7. Nguyên tắc 3 không khi ăn

Ba không bao gồm: không ti vi, không đi rong, không đồ chơi. Nguyên tắc 3 không này cần thực hiện nghiêm túc ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Một người mẹ chia sẻ: “Nếu trẻ chưa từng được ăn phải xem ti vi, được chơi đồ chơi, được đi rong thì làm sao biết giờ ăn là phải như thế. Tất cả đều do người lớn tạo thói quen”.

8. Giảm tiếng ồn khi cho trẻ ăn

Ba mẹ hãy vặn quạt số nhỏ, tắt tivi và giảm bớt âm nhạc khi bắt đầu cho con ăn. Như thế, bé sẽ nghe lời mẹ, mẹ cũng không phải quát to để bé ăn ngoan và cũng không phải lo bé lơ đễnh ăn uống vì đang có phim hoạt hình. Nếu cho trẻ ăn khi đang xem tivi, hoặc chơi đồ chơi dễ khiến trẻ phân tâm. Không tập trung ăn uống cũng không có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ.

9. Chào mừng thành công

Mỗi lần thấy con ăn ngoan, mẹ có thể khen ngợi bé và khuyến khích bé tiếp tục ăn. Mẹ cũng có thể cho bé một phần thưởng sau khi kết thúc bữa ăn, nhưng đừng tạo thành thói quen cho trẻ. Đơn giản chỉ là một câu khen ngợi, một lời động viên, một miếng dán bé ngoan cho bé 1-2 tuổi hoặc một nghìn đồng bỏ lợn nhựa cho bé tuổi đi học cũng có thể trở thành niềm vui trong bữa ăn của trẻ.