“Lợi đủ đường” cho bé ăn khoai lang

0
31128

Với vị ngọt mềm thơm ngon dễ nuốt, nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, khoai lang thực sự là “thực phẩm vàng” trong các công thức ăn dặm cho bé yêu. Lượng dinh dưỡng “khổng lồ” cùng vị ngọt ngọt, mềm mịn dễ ăn của khoai lang đã giúp loại thực phẩm này dễ dàng “đánh bại” tất cả các lựa chọn khác để trở thành một trong những món ăn hàng đầu cho trẻ bắt đầu tập ăn dặm.

Khoai lang rất giàu vitamin A, E canxi, beta carotene và folate. Theo Tổ chức dinh dưỡng sức khỏe thế giới, trong hơn 58 loại rau củ chứa vitamin A, C, Folate, sắt và canxi thì khoai lang là thực phẩm đứng đầu với 582 điểm. Đứng thứ 2 là cà rốt với 434 điểm.

Khoai lang là nguyên liệu cực kì dễ kiếm, hương vị thơm ngon mà lại giàu chất dinh dưỡng, rất cần thiết cho sự phát triển của bé yêu. Các mẹ nấu đồ ăn dặm cho con đừng bỏ qua thực phẩm bổ dưỡng hàng đầu này nhé!

Lợi ích của khoai lang

1. Bổ mắt

Khoai lang có màu vàng cam đậm, chứa rất nhiều beta carotene – tiền đề của vitamin A, giúp bé sáng mắt, phát triển thị lực.

2. Chống táo bón

Nguồn chất xơ dồi dào trong khoai lang còn hỗ trợ quá trình tiêu hóa của bé, ngăn ngừa táo bón. Tuy nhiên, ăn khoai lang sống lại phản tác dụng, khiến bé mắc các bệnh về tiêu hóa. Vì thế, mẹ nhớ nấu kĩ khoai lang cho bé ăn nhé!

3. Phát triển hệ miễn dịch

Ăn khoai lang, bé sẽ được tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch, có sức chống chọi với virut cao hơn nhờ hàm lượng vitamin C trong khoai.

Mẹo chọn khoai lang ngon

Khoai lang lọt top 1 trong 15 loại thực phẩm ít bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu nhất do có củ mọc ngầm dưới đất. Vậy nên mẹ hoàn toàn có thể yên tâm mua khoai lang tươi cho con.

Mẹ nên chọn khoai còn tươi, cứng, không bị thâm, dập hay bị sứt, nứt. Không nên mua củ to quá dễ bị xơ, mà chỉ nên chọn củ cỡ vừa. Những củ bị rỗ, có màu đen là những củ bị hà, đã hỏng không ăn được. Củ khoai ngon là củ khoai có vỏ màu đậm, đều, mềm mại. Màu vỏ khoai càng đậm, khoai càng giàu beta-carotene.

Cách bảo quản

Để khoai ở nơi thoáng mát, khô ráo, không nên để trong tủ lạnh. Không nên bảo quản khoai quá 2 tuần. Giữ khoai quá lâu, lượng đường trong khoai sẽ bị suy giảm chất lượng.

Khoai lang mua không nên bảo quản trong tủ lạnh, nó sẽ nhanh hỏng và bị mất mùi vị, bị héo. Mẹ hãy để khoai ở nơi thoáng mát, không bọc kín trong túi nilon, đừng để ở chỗ ấm và ẩm thấp vì như thế khoai sẽ mọc mầm. Nếu bảo quản tốt có thể để khoai từ 7 – 10 ngày.

Sau đây là một vài gợi ý để mẹ chế biến khoai lang cho bé yêu:

1. Khoai lang trộn sữa (4 tháng +)

Khoai lang nhỏ rửa sạch, gọt vỏ, hấp chín trong vòng 10 phút.

Mẹ lưu ý nên thái mỏng khoai thành miếng vừa ăn, như thế khoai sẽ dễ chín hơn.

Nghiền nhuyễn khoai lang rồi trộn với sữa công thức đến khi đạt độ dẻo dính phù hợp.

2. Cháo khoai lang trứng gà (6 tháng +)

Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ, hấp chín.

Nghiền nhuyễn/ xay sinh tố khoai lang với một chút sữa công thức hoặc nước lọc.

Đun nóng cháo, cho khoai lang vào quấy đều. Cho thêm ½ lòng đỏ trứng, đun thêm 1 – 2 phút.

Trước khi cho bé ăn có thể rây lọc thêm một lần nữa.

3. Khoai lang nghiền táo (6 tháng +)

Khoai lang, táo gọt vỏ, rửa sạch thái miếng quân cờ

Hấp khoai và táo từ 5-10 phút.

Nghiền nhuyễn khoai cùng với táo. Mẹ có thể cho thêm ít nước để đạt độ loãng như ý

4. Súp khoai lang (8 tháng + )

Nguyên liệu: Khoai lang 30g, 1 thìa cà phê bột mì, bơ nhạt, dầu oliu, 1 chén con nước dùng (nước xương gà hoặc nước rau củ), 1 chén con sữa, gừng, đường.

Cách làm:

Xào bơ và bột trong chảo đến khi có màu cánh gián. Thêm nước dùng và đường nâu đun sôi.

Khi nước sôi, nhanh tay bỏ khoai lang và một chút gừng vào đun tiếp đến khi chín.

Cho hỗn hợp vào máy xay sinh tố, nghiền nhuyễn rồi lọc qua rây.

Bắc thành phẩm lên bếp, đun nóng cùng sữa rồi cho ra bát, để trẻ ăn khi nóng ấm.

5. Súp khoai lang – cà rốt – củ cải – thịt gà

Nguyên liệu: 1 miếng thịt ức gà, một nửa củ khoai lang, 1/3 cây củ cải, 1 củ cà rốt nhỏ đã gọt vỏ, xắt hạt lựu

Cách làm: Thịt gà làm sạch, đem luộc rồi xé nhỏ, xay nhuyễn. Khoai lang, củ cải, cà rốt đem nấu chín rồi dùng thìa nghiền nát. Trộn thịt gà và hỗn hợp rau củ lại với nhau, gia giảm thêm nước để món ăn có độ sệt thích hợp.

6. Súp khoai lang – bò hầm

Nguyên liệu: 20g bơ, 1 lá tỏi tây thái mỏng, 125g thịt bò hầm, 1 thìa bột, 100g nấm thái mỏng, 275g khoai lang gọt vỏ, thái mỏng, 250ml nước luộc thịt hoặc nước luộc gà

Cách làm: Đun cho bơ tan chảy trên chảo nóng, xào qua thịt bò rồi đổ thêm khoai lang, tỏi tây, nấm vào xào cùng. Sau đó, đổ cả nước thịt vào,nấu cho đến khi thịt nhừ. Chờ súp nguội, đổ vào máy xay để được hỗn hợp mịn nhuyễn cần thiết.

Chúc mẹ và bé ăn dặm vui vẻ!

Các bài viết liên quan: