Sai lầm của mẹ, nỗi đau của con

0
589

Chống viêm, hạ sốt cũng gây dị ứng
Nằm thiêm thiếp trên chiếc giường trải ga trắng, bé Minh mới được 5 tháng tuổi nhắm nghiền mắt, da xanh xao, thóp phập phồng theo từng hơi thở nặng nhọc. Tính cả ngày hôm ấy, bé Minh đã nằm viện được 3 ngày. Trước đó, bé bị ho, sốt cao tới 39,50C, mẹ bé chạy ra ngoài hiệu thuốc gần nhà kể về các triệu chứng của bé và được tư vấn mua thuốc hạ sốt và kháng sinh chữa ho, viêm họng.

Sau khi uống thuốc xong chừng 30 phút, hơi thở check by nhatsongkiem bé bắt đầu nặng nhọc, mắt có biểu hiện lơ mơ. Bà nội bé hoảng hốt vội ôm cháu chạy sang bệnh viện cấp cứu. “Sau khi chụp ống thở và cấp cứu cho cháu xong, bác sĩ mới bảo chỉ cần chậm tí nữa thì cháu sẽ bị nguy kịch, khó cứu. Nghĩ lại thấy cũng may vì đã kịp đưa cháu đi cấp cứu, may mà nhà tôi ở gần bệnh viện, nếu không thì tôi cũng không biết là có kịp cứu cháu không”, bà nội bé Minh đang ngồi bên giường bệnh quạt cho cháu kể.

Theo các bác sĩ, thống kê từ các ca dị ứng thuốc cho thấy kháng sinh là nhóm thuốc đứng đầu bảng nguyên nhân gây dị ứng, chiếm tới hơn 50%, thuốc chống viêm giảm sốt chiếm khoảng 10%.

Khi bị dị ứng thuốc sẽ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như nổi ban đỏ, mề đay, ngứa, sốt, tâm thần choáng váng khó chịu. Các bác sĩ cho biết, các biểu hiện dị ứng thuốc chủ yếu xuất hiện trên da và niêm mạc, chiếm tới hơn 90%. Các dị ứng thuốc từ đường uống chiếm tỉ lệ lớn hơn nhiều (khoảng hơn 70%) so với đường tiếp xúc qua việc bôi hoặc tiêm (chỉ khoảng 20%).

Tiến sĩ Lê Minh Hương (Bệnh viện Nhi TƯ) cho hay, nguyên nhân gây dị ứng là do trong cơ thể đã có sẵn chất Histamine (trong máu, các mô) dưới dạng liên kết tĩnh điện histamine – héparine không có hoạt tính. Khi có chất lạ vào cơ thể, với những người dễ bị dị ứng, có cơ địa bị dị ứng thì sẽ dẫn đến tình trạng nối tĩnh điện bị cắt đứt làm histamine được phóng thích tạo nên tác dụng dược lực tác động lên hệ tuần hoàn, làm giãn mạch.

Mạch bị giãn dẫn đến tụt huyết áp, nhịp tim tăng nhanh, áp lực nội sọ tăng gây nhức đầu, choáng váng. Nếu tác động đến hệ hô hấp thì sẽ dẫn đến co thắt khí phế quản gây nghẹt thở hoặc tác động đến hệ tiêu hoá thì sẽ làm co thắt cơ trơn.

Tự chữa cảm cúm, “rước” con vào viện! 
Trẻ dùng nhiều kháng sinh dễ bị mắc bệnh hen Các nghiên cứu y khoa cho thấy, trẻ sử dụng nhiều kháng sinh dễ mắc bệnh hen hơn so với những trẻ ít dùng kháng sinh. Nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn tới 16% so với những đứa trẻ khác.
Trong quá trình đăng tải loạt bài này, GĐ&XH Cuối tuần đã nhận được không ít những thông tin chia sẻ và đề nghị từ bạn đọc được cung cấp thêm những thông tin về những dị ứng mà trẻ hay gặp phải khi dùng thuốc chữa bệnh.

Xin trích đăng lá thư của chị Nguyễn Thị Hằng giáo viên tiếng Anh ở thị xã Tuyên Quang: “Con gái tôi đang học lớp 2, hôm đó giữa trưa nắng cháu đi học về và đến chiều thì bị cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi. Tôi đã tự ra ngoài mua kháng sinh cho cháu uống. Nhưng nửa giờ sau, cháu bắt đầu sốt cao, khắp người nổi ban đỏ, một số vùng trên da còn xuất hiện bọng nước. Cháu kêu là chóng mặt chóng mặt, mệt và buồn nôn… Ngay sau đó, tôi lập tức đưa cháu đến bệnh viện. Làm xét nghiệm xong, tôi mới ngã ngửa vì không ngờ cháu lại bị dị ứng với thuốc nhưng tôi lại không biết điều đó nên vẫn cho cháu uống”.

cho-con-uong-thuoc

Khi trẻ bị ốm các bà mẹ không nên tự ý cho con uống thuốc 

Thực tế có những trường hợp dị ứng thuốc nặng đến mức hoại tử da, toàn thân bị phù nề rất đau đớn. Như trường hợp bệnh nhân Mai Thị Sèng ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cũng bị cảm cúm đến gần một tuần không khỏi nên mẹ cháu tự đi mua kháng sinh cho con uống.

Sau khi uống một tiếng, cháu bắt đầu bị sốt, người nổi mẩn đỏ, người lớn lại nghĩ cháu chỉ bị ốm bình thường nên vẫn để cháu ở nhà và tiếp tục cho uống thuốc đã mua. Đến ngày hôm sau thì toàn thân cháu bắt đầu xuất hiện mụn nước, ăn vào là nôn.

Sang đến ngày thứ 3, các mụn nước bắt đầu vỡ ra, vết loét lan khắp người thì cả nhà mới đưa con đến trung tâm y tế để khám và được chuyển ngay xuống bệnh viện điều trị. Lúc ấy, da toàn thân cháu Sèng đã bị hoại tử, phù nề. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh nặng như trên là do bị dị ứng thuốc.

Trong thư, mẹ cháu Sèng viết: “Nếu ngay trong ngày đầu tiên uống thuốc, khi cháu bị nổi mẩn đỏ mà tôi dừng không cho cháu uống thuốc nữa và đi khám thì đâu đến nỗi bị loét khắp người như thế này. Cả họ nhà tôi có mỗi mình cháu là con gái, nên bây giờ lo lắm, chỉ sợ các vết loét, những chỗ da bị hoại tử sau khi lành sẽ để lại sẹo”.

Theo lời khuyên của bác sĩ, khi trẻ bị sốt, cảm cúm không nhất thiết phải dùng đến kháng sinh vì có thể trẻ không bị viêm nhiễm. Một số bệnh nhiễm khuẩn thường có triệu chứng sốt, nhưng không phải tất cả các trường hợp sốt đều do nhiễm khuẩn. Có thể trẻ bị sốt do mọc răng hoặc cảm nắng.

Khi trẻ sốt thì không nên cho uống kháng sinh ngay, trước tiên phải hạ nhiệt cho bé bằng cách lau nước ấm, đắp trán hoặc dùng Paracetamol. Những trường hợp bé bị cảm cúm, viêm mũi, viêm họng do virus thì kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng, nếu dùng bừa bãi có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

Khi trẻ bị cảm cúm, sốt, viêm họng… hãy cho trẻ đến khám bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân do viêm nhiễm hay virút để có cách điều trị thích hợp.

Thuốc bổ thành thuốc… hại!
Làm test thử trước khi dùng thuốc
Theo lời khuyên của các chuyên gia dị ứng, bệnh nhân trước khi uống thuốc cần phải làm test thử để xem phản ứng cơ thể với loại thuốc đó như thế nào bằng cách đặt vào lưỡi, hốc mũi với thuốc uống. Với thuốc tiêm thì thử ngoài da.
Nghiên cứu y khoa cho thấy, không chỉ có các loại kháng sinh nằm trong danh sách đỏ về gây dị ứng mà thậm chí các loại thuốc bổ và lành như vitamin, thuốc đông y cũng có thể gây dị ứng, chiếm khoảng hơn 7%.

Theo các bác sĩ, thuốc đông y đứng thứ ba trong số các nhóm thuốc dễ gây dị ứng. Nguy cơ bị dị ứng bởi thuốc đông y càng tăng cao vì phần lớn người dân đều có quan niệm thuốc đông y lành, không độc, mát, bổ. Chính vì quan niệm này mà không ít người chẳng có bệnh tật, ốm đau gì nhưng “hứng” lên một cái là lại đi bốc thuốc đông y về uống. Có người xuất hiện triệu chứng dị ứng thuốc ngay sau khi uống một vài giờ, nhưng cũng có khi sau một vài ngày. Thậm chí có những trường hợp xuất hiện muộn thì có khi nhiều tuần sau mới có biểu hiện.

Có những trường hợp xuất hiện triệu chứng sốt, mẩn ngứa nhưng ở thời điểm sau khi uống thuốc đông y hàng tuần nên thường lầm tưởng bị bệnh chứ không phải do dị ứng nên đã uống thuốc chữa khiến dị ứng càng nặng hơn. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc (Bệnh viện Nhi TƯ) cho biết, ngay cả với vitamin B1, loại thuốc bổ được xem là “lành” nhất cũng có thể gây dị ứng, nhất là với người có cơ địa dị ứng thuốc.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dị ứng thuốc ngày càng phổ biến, theo GS Nguyễn Năng An (nguyên Trưởng khoa Dị ứng, miễn dịch lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai) là do tình trạng tự dùng thuốc bừa bãi của người dân. Nặng nhất là sốc phản vệ dẫn đến khó thở, hạ huyết áp, trụy tim mạch.

Thậm chí có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Một số phản ứng thuốc còn có thể gây điếc, gây suy tuỷ, ngộ độc. Ở trẻ sơ sinh dễ dẫn đến hội chứng xanh tái. Một số trường hợp dị ứng thuốc còn gây giảm hồng cầu, bạch cầu, xuất huyết giảm tiểu cầu, tế bào gan bị tổn thương.

TS Lê Minh Hương khuyên, để tránh cho trẻ bị dị ứng thuốc, không nên dùng nhiều loại thuốc một lúc và không nên dùng thuốc kéo dài. Đặc biệt, phải thông báo rõ về tiền sử dị ứng thuốc hoặc dị ứng thức ăn trước khi bác sĩ kê đơn thuốc.

Theo Tin Tức