Những lưu ý quan trọng khi dùng thuốc xịt mũi cho con

0
23664

Thời tiết lạnh giá của mùa đông khiến con trẻ rất dễ mắc phải các bệnh liên quan tới đường hô hấp. Thông thường, các bố mẹ sẽ sử dụng thuốc xịt mũi cho con, vừa để vệ sinh mũi, vừa chống ngạt mũi và các bệnh hô hấp. Vậy làm thế nào để lựa chọn và sử dụng thuốc xịt mũi đúng cách và an toàn cho bé? Dưới đây là một số lưu ý dành cho các bố mẹ.

1. Lựa chọn thuốc xịt mũi đúng cách

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc rửa mũi. Các bố mẹ chú ý các thông tin sau để lựa chọn thuốc phù hợp và tránh tình trạng lạm dụng thuốc nhỏ mũi khi bé ngạt, sổ mũi, khiến bệnh của con thêm nặng.

Các bài viết liên quan:

Có hai nhóm thuốc chính

a- Các loại thuốc nhỏ mũi, xịt mũi thông thường

Nước muối sinh lý (NaCl 9%o) có tác dụng rửa mũi làm cho dịch mũi loãng ra và giữ cho niêm mạc mũi trở lại trạng thái bình thường. Có thể nhỏ 4 – 5 giọt vào một bên mũi rồi hút sạch, ngày làm từ 2 – 4 lần. Chú ý không bơm nước mạnh quá vào mũi để khỏi chảy xuống họng, nhất là trẻ sơ sinh dễ gây sặc. Loại này hoàn toàn không nguy hiểm, có thể dùng lâu dài.

Sterimar (nước biển phun sương) giúp niêm mạc mũi trở lại bình thường. Có ưu điểm hơn nước muối sinh lý là có chứa nhiều hoạt kháng dị ứng… Dùng theo dạng phun sương nên có tác dụng làm sạch các rỉ mũi, tăng cường dẫn lưu dịch, loại bỏ các vảy ở trong mũi. Vì vậy được dùng trong viêm mũi xuất tiết, sau các thủ thuật ở mũi, sau nạo VA, sau cầm máu mũi. Đây cũng là loại thuốc có thể dùng lâu dài.

Naposure là dung dịch muối có thành phần bao gồm muối biển sâu, chiết xuất lô hội, NaHCO3, Acid Citric. Có tác dụng tăng cường ion hoạt tính thúc đẩy quá trình diệt khuẩn. Naposure thường được bán kèm với bình rửa mũi, giúp nước muối chảy thông từ lỗ mũi bên này sang bên kia, rửa sạch khoang mũi rồi tống các chất dịch nhầy, vi khuẩn, bụi bẩn sang lỗ mũi bên kia rồi chảy ra ngoài. Sản phẩm không gây đau đớn hay thương tổn cho bé.

b – Nhóm thuốc co mạch

Naphazolin 0,05 chống ngạt tốt, nhanh nhưng ảnh hưởng đến tim mạch. Đã có những trường hợp cháu bé dùng naphazolin bị ngộ độc dẫn đến tử vong. Vì vậy tuyệt đối không dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi.

Otrivin là loại thuốc gồm xylometazolin cũng có tác dụng co mạch tốt, phòng ngừa không cho virus, vi khuẩn phát triển, làm sạch hốc mũi, mũi thông thoáng nhanh. Trẻ bị ngạt mũi thường được bác sỹ kê Otrivin. Thuốc có hiệu quả rất nhanh nên được các bà mẹ “tín nhiệm” và dễ dẫn đến lạm dụng. Việc dùng thuốc này lâu ngày có thể làm tổn thương niêm mạc mũi.

Pivalone là loại thuốc chủ yếu là tixocortol hay dùng để xịt mũi khá tốt vì đây là loại thuốc xịt (spray) làm sạch chất nhày ở mũi, làm thông thoáng mũi, niêm mạc mũi ít bị tổn thương, ít hại cho trẻ em. Thuốc dùng trong điều trị chảy mũi kéo dài như viêm mũi cấp, viêm mũi mạn, viêm mũi theo mùa, viêm mũi vận mạch và viêm mũi dị ứng. Các loại thuốc trên trước khi nhỏ hoặc xịt mũi đều phải hút hết dịch mũi, nói cách khác phải làm sạch hốc mũi trước khi sử dụng thì thuốc mới có hiệu quả.

Clorocide (cloramphenicol) 4%o là loại thuốc có kháng sinh dùng để sát trùng mũi. Đặc biệt trong các dịch cúm, sởi có thể dùng đồng loạt cho các vườn trẻ, mẫu giáo. Nhưng nên nhỏ vừa phải (2 – 3 giọt) vì thuốc đắng chảy xuống họng các cháu dễ nôn hoặc trớ. Loại này ít có tác dụng làm co mạch.

2. Hướng dẫn cách dùng thuốc xịt mũi cho trẻ

Khi con bị sổ mũi, ngạt mũi tại nhà, theo BS Khanh, cha mẹ cần nhỏ mũi, bôi dầu gió làm ấm lòng bàn chân, coi lại phòng có nóng, bí hay có lạnh không. Nếu bé bị nghẹt nhiều, mẹ nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mũi bé rồi làm bấc sâu kèn lấy gỉ và nước mũi ra, sau đó lại nhỏ lại 1 giọt nữa.

Nếu phụ huynh muốn rửa mũi cho con, các chuyên gia cho rằng chỉ nên dùng bình rửa mũi chuyên dụng với áp lực chuẩn để tránh làm hỏng niêm mạc mũi của trẻ. Thiết bị này được bán khá nhiều tại các bệnh viện, hiệu thuốc uy tín.

Ngoài ra, có thể dùng dụng cụ hút mũi chuyên dụng để vệ sinh mũi cho bé. Nước muối sinh lý rất an toàn, mẹ có thể xịt vào mũi trẻ giúp làm lỏng dịch nhầy trong mũi, sau đó dùng dụng cụ để hút sạch nước mũi. Các bước cụ thể như sau:

Bước 1: Cho trẻ nằm, gối đầu lên gối. Giữ cẩn thận đầu của trẻ vững và thẳng. Đặt ống thuốc xịt ở cửa mũi của trẻ.

Bước 2: Xịt dứt khoát từ 1 đến 3 lần mỗi bên mũi. Giữ trẻ nằm yên trong 1 đến 2 phút để thuốc có đủ thời gian ngấm và làm loãng chất nhầy giúp thông mũi cho trẻ.

 

Bước 3: Nhẹ nhàng lau sạch chất nhầy chảy ra từ mũi trẻ để ngăn ngừa kích ứng da.

Bước 4: Lau sạch đầu ống xịt để sử dụng cho các lần tiếp theo.

Bạn nên xịt mũi cho trẻ trước khi đi ngủ ít nhất 15 phút, trước khi ăn khoảng 30 phút.

Bạn cũng có thể bế trẻ để xịt thuốc vào mũi, chú ý tư thế thoải mái nhất cho bạn và trẻ.

“Trong quá trình rửa mũi cho con, nếu quá 4 – 5 ngày trẻ vẫn không có dấu hiệu cải thiện hoặc kèm theo dấu hiệu ho, đặc biệt ho có đờm, bố mẹ cần đưa trẻ đến viện khám để loại trừ viêm phế quản, viêm phổi” – BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM) khuyến cáo.

Hiện nay, một số phụ huynh quan niệm, khi thời tiết chuyển mùa sẽ nhỏ nước muối sinh lý để phòng các bệnh đường hô hấp cho trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây là quan niệm rất sai lầm. Nhỏ nước muối sinh lý chỉ thực hiện khi ốm, sụt sịt mũi, còn mũi bình thường hoàn toàn không nên. Việc nhỏ nước muối sinh lý khi trẻ không ốm không có tác dụng gì, thậm chí còn gây hại.

Lưu ý quan trọng: Trước khi sử dụng các loại thuốc và dụng cụ, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng. Bạn nên tham khảo theo đơn thuốc hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ về hàm lượng thuốc và số lần thực hiện.

Các bố mẹ có thể tham khảo các sản phẩm vệ sinh tai mũi họng TẠI ĐÂY